Gửi câu hỏi
Giáo dục- Đào tạo - Y tế

Hỏi: Căn cứ công nhận giá trị chứng chỉ ngoại ngữ

Nguyễn Hồng Phước - 08:07 18/01/2019

Chi tiết câu hỏi

Trước đây, khi chờ xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý để tổ chức, triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí ngoại ngữ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu 10 đơn vị được tổ chức rà soát, thi, cấp giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh tương đương 6 bậc của Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm SEAMEO RETRAC; Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh. Ngày 29/9/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT về quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Điều 4 của Quy chế đã nêu rất rõ về đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tuy nhiên một số địa phương cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ 6 bậc theo tham chiếu Châu Âu phải do 10 đơn vị (trường) nêu trên mới có giá trị pháp lý. Tôi xin hỏi, trong trường hợp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khắc phục như thế nào?

Ngoài ra, tại Điều 3 Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT có quy định về chứng chỉ ngoại ngữ. Cụ thể, mẫu chứng chỉ ngoại ngữ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành… Tuy nhiên hiện nay các cơ sở, đơn vị (trường) tổ chức thi có nơi cấp “Giấy chứng nhận năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam” của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, có trường thi cấp “Chứng chỉ năng lực tiếng Anh” của Trường Đại học Sài Gòn, có trường thì cấp “Chứng chỉ tiếng Anh tương đương cấp độ B1, theo khung tham chiếu Châu Âu” của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Kích thước của chứng chỉ, giấy chứng nhận cũng khác nhau không theo một mẫu nhất định. Tôi xin hỏi, việc thực hiện quy định tại Điều 3 của Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ở một số cơ sở giáo dục (trường), đơn vị như vậy là đúng hay sai? Nếu sai thì sẽ chỉ đạo khắc phục như thế nào? Và các giấy chứng nhận, chứng chỉ đã cấp chưa đúng theo mẫu được quy định thì sẽ thế nào?

Trả lời

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Sau khi Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành, 10 đơn vị được công nhận có đủ năng lực khảo thí trước đây đã tạm ngừng việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho các đối tượng để xây dựng và chờ thẩm định Đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 5543/BGDĐT-QLCL, 5544/BGDĐT-QLCL, 5545/BGDĐT-QLCL, 5546/BGDĐT-QLCL ngày 6/12/2018, trong đó thông báo 4 đơn vị gồm Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng đủ điều kiện triển khai thi đánh giá năng lực theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.

Để tăng cường nhận thức của công chúng và công bố rộng rãi thông tin về các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá ngoại ngữ theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đăng tải thông tin về các đơn vị này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và đồng thời yêu cầu các đơn vị đăng tải Đề án trên Cổng thông tin điện tử của của đơn vị mình. Các đơn vị này cũng được yêu cầu cấp phát, quản lý chứng chỉ theo đúng các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau khi được công nhận đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT, các đơn vị sẽ tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo đúng hướng dẫn của Thông tư này (có mẫu chứng chỉ chung).

Về giá trị Giấy chứng nhận năng lực ngoại ngữ do 10 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận (Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia HN, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Cần Thơ, SEAMEO RETRAC) đã cấp trước đây, Công văn số 3755/BGDĐT-GDTX ngày 3/8/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ rõ: “Việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu được Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc”.

Các chứng chỉ/chứng nhận do các đơn vị đào tạo bồi dưỡng (chưa được công nhận đủ điều kiện theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT) tự ban hành có giá trị nội bộ và không được tuyên bố là chứng chỉ theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top