Gửi câu hỏi
Giáo dục- Đào tạo - Y tế

Hỏi: Có thể xin cấp chứng chỉ hành nghề dược tại tỉnh khác?

Trịnh Chí Hải - 11:54 23/03/2018

Chi tiết câu hỏi

Tôi ở tỉnh Đồng Tháp nhưng muốn cấp chứng chỉ hành nghề dược tại tỉnh Bình Dương, như vậy có được không? Nếu được thì cần giấy tờ gì? Giấy xác nhận thâm niên, thời gian bao nhiêu thì còn hiệu lực? Tôi thực hành tại nhà thuốc đã được 2 năm, vậy nhà thuốc có thể xác nhận thâm niên được không?

Trả lời

Bộ Y tế trả lời vấn đề này như sau:

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Luật Dược, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, 155/2018/NĐ-CP) không quy định Sở Y tế chỉ cấp chứng chỉ hành nghề dược cho người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh, do đó người dân sống ở tỉnh Đồng Tháp có thể làm thủ tục đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược tại tỉnh Bình Dương.

Văn bản quy phạm pháp luật không quy định thời hạn hiệu lực của giấy xác nhận thời gian thực hành chuyên môn.

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược

Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược được quy định tại Điều 24 Luật Dược, Điều 3 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, Khoản 1, Điều 4 và Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, cụ thể bao gồm các tài liệu sau:

- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược theo Mẫu số 2 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, có ảnh chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 6 tháng.

- Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn. Đối với các văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải kèm theo bản sao có chứng thực giấy công nhận tương đương của cơ quan có thẩm quyền về công nhận tương đương theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP;

- Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề dược do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy xác nhận thời gian thực hành theo quy định tại Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP. Trường hợp thực hành tại nhiều cơ sở, thời gian thực hành được tính là tổng thời gian thực hành tại các cơ sở nhưng phải có giấy xác nhận thời gian thực hành của từng cơ sở đó.

Trường hợp đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược với phạm vi hoạt động khác nhau và yêu cầu thời gian thực hành, cơ sở thực hành chuyên môn khác nhau thì hồ sơ phải có giấy xác nhận thời gian thực hành chuyên môn và nội dung thực hành chuyên môn của một hoặc một số cơ sở đáp ứng yêu cầu của mỗi phạm vi, vị trí hành nghề. Trường hợp các phạm vi hoạt động chuyên môn có cùng yêu cầu về thời gian thực hành và cơ sở thực hành chuyên môn thì không yêu cầu phải có giấy xác nhận riêng đối với từng phạm vi hoạt động chuyên môn;

- Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược đối với trường hợp đã bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Khoản 9, Điều 28 của Luật Dược (người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất;

- Bản sao có chứng thực căn cước công dân, giấy CMND hoặc hộ chiếu;

- Phiếu lý lịch tư pháp. Trường hợp là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận hiện không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực giấy xác nhận kết quả thi do cơ sở tổ chức thi quy định tại Khoản 2, Điều 28 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP cấp đối với trường hợp chứng chỉ hành nghề dược cấp theo hình thức thi;

- Trường hợp cấp chứng chỉ hành nghề dược do bị thu hồi theo quy định tại Khoản 3, Điều 28 của Luật Dược (chứng chỉ hành nghề dược bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề dược) thì người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược chỉ cần nộp đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược theo quy định nêu trên.

Tại Điều 19 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP quy định, “Cơ sở thực hành chuyên môn là các cơ sở quy định tại Khoản 2, Điều 13 của Luật Dược gồm: Cơ sở kinh doanh dược, bộ phận dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở đào tạo chuyên ngành dược, cơ sở nghiên cứu dược, cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ quan quản lý về dược hoặc văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở dược); cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của người hành nghề”.

Do đó, nhà thuốc có thể xác nhận thời gian thực hành chuyên môn cho người thực hành chuyên môn tại cơ sở theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về các nội dung xác nhận theo đúng quy định.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top