Gửi câu hỏi
Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Hỏi: Những khoản thu chi được đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ

Trần Ngọc - 14:18 01/11/2019

Chi tiết câu hỏi

Theo quy định các khoản thu dịch vụ, thu sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập sau khi trích 40% cải cách tiền lương và thực hiện nghĩa vụ thuế thì được quyền sử dụng tự chủ, vậy việc đơn vị đưa các nội dung chi của các nguồn kinh phí (ngân sách tự chủ, thu dịch vụ..) vào quy chế chi tiêu nội bộ có đúng không?

Một số Kho bạc nhà nước (KBNN) địa phương không cho phép đưa vào Quy chế chi tiêu nội bộ các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nếu không gửi vào tài khoản KBNN (mã đầu 3712..., 3714... học phí - giá dịch vụ, dịch vụ dạy thêm, giá tuyển sinh đại học...) như vậy có phù hợp hay không?

Theo Thông tư 39/2016/TT-BTC ngày 1/3/2016 của Bộ Tài chính (Điều 7), KBNN kiểm soát chi đối với gói hàng hóa, mua sắm có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Như vậy, đối với các loại hàng hóa, dịch vụ dưới 20 triệu đồng thì đơn vị cần thực hiện những thủ tục nào?

Theo Công văn 9176/BTC-HCSN ngày 5/7/2016 của Bộ Tài chính (Điểm b, Khoản 2), đối với hàng hóa dưới 100 triệu đồng thì thủ trưởng đơn vị có quyền quyết định mua sắm, cho nên đối với gói mua sắm hàng hóa có giá trị dưới 20 triệu đồng các đơn vị không có báo giá, không xét chọn đơn vị, không có hợp đồng, nghiệm thu và bàn giao hàng hóa, chỉ có hóa đơn khi thanh toán như vậy có phù hợp không?

Kiểm toán Nhà nước năm 2018 khi kiểm tra một số đơn vị trường học có lập biên bản nhắc nhở đối với một số đơn vị là khi mua sắm hàng hóa (quạt treo tường các lớp học) từ nguồn kinh phí tự chủ có giá trị khoảng 3.500.000đ nhưng không cung cấp đủ 3 báo giá của 3 cơ sở là chưa đầy đủ. Như vậy thì việc mua sắm dưới 100 triệu đồng và có giá trị trên bao nhiêu thì mới cần cung cấp đủ 3 báo giá và quyết định chọn đơn vị cung cấp?

Trả lời

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Quy chế chi tiêu nội bộ gồm cả nội dung về thu, chi hoạt động dịch vụ

Về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên:

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập:

“2. Trong khi chưa ban hành hoặc sửa đổi Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Khoản 1 Điều này, các đơn vị sự nghiệp công theo từng lĩnh vực được tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập…”.

Do vậy, cơ sở giáo dục đào tạo công lập hiện nay tiếp tục thực hiện chế độ tự chủ theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP.

Theo quy định tại mục VII Thông tư số 71/2006/TT-BTC về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ được hướng dẫn như sau:

Đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính có trách nhiệm xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để cán bộ, viên chức thực hiện và KBNN thực hiện kiểm soát chi (nội dung xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo hướng dẫn tại phụ lục số 01 kèm theo Thông tư này).

Quy chế chi tiêu nội bộ phải gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện; gửi KBNN nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi. Trường hợp có các quy định không phù hợp với quy định của Nhà nước thì trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan quản lý cấp trên có ý kiến yêu cầu đơn vị phải điều chỉnh lại cho phù hợp; đồng gửi cơ quan tài chính cùng cấp và KBNN nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch.

Tại mục 2 Phụ lục số 01 quy định các đơn vị thực hiện chế độ tự chủ xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ ở một số khoản chi; trong đó có hoạt động dịch vụ như sau:

“Các đơn vị sự nghiệp có hoạt động dịch vụ, xây dựng quy chế quản lý hoạt động dịch vụ theo nguyên tắc quản lý thống nhất; Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về mọi mặt hoạt động thu chi, mức thu của các đơn vị trực thuộc.

Quy định việc sử dụng, quản lý tài sản của đơn vị trong hoạt động dịch vụ; Quy định việc trích khấu hao tài sản, duy tu và sửa chữa lớn TSCĐ dùng trong hoạt động dịch vụ; cụ thể hóa quy định nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị trực thuộc.

Đối với quy chế quản lý hoạt động dịch vụ đơn vị có thể xây dựng quy chế khoán thu, khoán chi đối với các đơn vị trực thuộc nhưng phải bảo đảm đầy đủ chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật; Quy định tỷ lệ trích nộp của đơn vị trực thuộc, đối với đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ chung và được tính vào chi phí của hoạt động dịch vụ của đơn vị trực thuộc, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với chi phí chung của đơn vị.

Khi xây dựng dự toán và trong quá trình hoạt động dịch vụ đơn vị phải xác định đầy đủ các yếu tố chi phí, bảo đảm nguyên tắc bù đắp được chi phí và có tích lũy”.

Theo quy định tại điểm 2.1 mục 2 phần I Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 6/9/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính:

“2.1. Các đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ phải mở tài khoản tại KBNN để thực hiện thu, chi qua KBNN đối với các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước (bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước cấp, các khoản thu, chi theo quy định đối với nguồn thu từ phí và lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các khoản khác của ngân sách nhà nước nếu có); chịu sự kiểm tra, kiểm soát của KBNN trong quá trình tập trung và sử dụng các khoản kinh phí thuộc ngân sách nhà nước. 

Đối với các khoản thu, chi dịch vụ, liên doanh, liên kết, đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ có thể mở tài khoản tại KBNN hoặc ngân hàng để giao dịch, thanh toán. KBNN không kiểm soát các khoản thu, chi  này của đơn vị (kể cả trường hợp đơn vị mở tài khoản tại KBNN)”.  

Theo quy định trên, đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục, đào tạo xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm cả nội dung về thu, chi hoạt động dịch vụ. KBNN căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ để kiểm soát chi, không chịu trách nhiệm trong việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Gói hàng hóa, mua sắm có giá trị dưới 20 triệu đồng

Về nội dung kiểm soát chi đối với gói hàng hóa, mua sắm có giá trị dưới 20 triệu đồng theo Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính:

Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN, cụ thể: Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 1/3/2016, đối với những khoản chi không có hợp đồng và đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng dưới 20 triệu đồng, ngoài hồ sơ đã gửi lần đầu, khi thanh toán trực tiếp đơn vị gửi giấy rút dự toán, Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 39/2016/TT-BTC; đồng thời, tùy theo từng nội dung chi đơn vị gửi kèm theo các tài liệu, chứng từ cụ thể khác theo quy định tại tiết c điểm 1.4 Khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 39/2016/TT-BTC.

Trường hợp không bắt buộc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp

Đối với điểm b khoản 2 công văn số 9176/BTC-HCSN ngày 5/7/2016:

Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, quy trình thực hiện mua sắm đối với gói thầu có giá trị dưới 100 triệu đồng thực hiện theo hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 58/2016/TT-BTC.

Ngày 8/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu, trong đó tại Khoản 7 Điều 4 quy định: Đối với gói thầu quy định tại khoản 19 (gói thầu có giá gói thầu không quá 50 triệu đồng) Điều 3 Quyết định này được thực hiện theo quy trình như sau:

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định việc mua sắm bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; không bắt buộc phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hoá đơn, chứng từ đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật (không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu).

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top