Gửi câu hỏi
Chính sách với người có công

Hỏi: Quy định hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công

Phan Minh Phú - 09:54 29/08/2018

Chi tiết câu hỏi

Bố tôi là thương binh 4/4, bị nhiễm chất độc da cam 31%. Năm 1979, bố tôi mua mảnh đất 730,3 m2 tại TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Năm 1994, bố tôi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 200 m2 đất, nhưng chưa được miễn, giảm tiền sử dụng đất (có xác nhận của phường). Ngày 8/11/2012, bố tôi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với 250 m2 làm đất ở (theo quy định hạn điền của tỉnh Yên Bái), còn lại 280,3 m2 làm đất vườn tạp. Khi đó giá đất tính thu tiền sử dụng đất là 6.000.000 đồng/m2. Tuy nhiên do một số nguyên nhân nên bố tôi chưa được cấp Giấy chứng nhận theo nguyện vọng. Hiện nay bố tôi tiếp tục làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 250 m2 đất ở và 280,3 m2 đất vườn tạp. Giá đất tính thu tiền sử dụng đất đã tăng lên là 12.000.000 đồng/m2. Xin hỏi, bố tôi có được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công theo quy định của Nhà nước không? Khi tính mức tiền phải nộp để chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì căn cứ trên mức giá 6.000.000 đồng/m2 hay 12.000.000 đồng/m2?

Trả lời

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái trả lời vấn đề này như sau:

Câu hỏi của ông Phan Minh Phú không có hồ sơ, tài liệu gửi kèm theo, do vậy rất khó khăn cho việc xem xét thấu đáo để trả lời. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị ông Phú căn cứ các quy định dưới đây để áp dụng đối với trường hợp của gia đình mình và làm việc với Chi cục Thuế TP. Yên Bái để được hướng dẫn thực hiện.

Về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng, Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 117/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 118/TTg ngày 27/2/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở và Điều 3 Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 3/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người hoạt động cách mạng từ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 cải thiện nhà ở quy định như sau:

“2. Sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 2, Điều 2 Quyết định số 118/TTg:

… Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 61% đến 80% được hỗ trợ 90% tiền sử dụng đất…

… Thương binh loại B có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21% đến 40%... được hỗ trợ 70% tiền sử dụng đất…”.

Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Điều 2 Quyết định số 118/TTg quy định như sau:

“3. Các mức hỗ trợ tiền sử dụng đất nêu tại Điểm c, Khoản 2, Điều 2 Quyết định này cũng được áp dụng đối với các trường hợp được hỗ trợ bằng hình thức giao đất làm nhà ở.

4. Việc hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với người có công với cách mạng chỉ xét một lần cho một hộ gia đình và mức hỗ trợ tiền sử dụng đất được tính theo diện tích đất thực tế được giao nhưng tối đa không vượt quá định mức đất ở cho một hộ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

5. Trong trường hợp một người thuộc nhiều diện ưu đãi, được xét hỗ trợ để cải thiện nhà ở thì căn cứ vào chế độ ưu đãi cao nhất mà người đó được hưởng để hỗ trợ”.

Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất quy định:

“a) Giá đất theo Bảng giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) quy định áp dụng trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất ở trong hạn mức.

Việc xác định diện tích đất trong hạn mức tại Điểm này phải bảo đảm nguyên tắc mỗi hộ gia đình (bao gồm cả hộ gia đình hình thành do tách hộ theo quy định của pháp luật), cá nhân chỉ được xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở một lần và trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhiều thửa đất trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì hộ gia đình, cá nhân đó được cộng dồn diện tích đất của các thửa đất để xác định diện tích đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở nhưng tổng diện tích đất lựa chọn không vượt quá hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở tại địa phương nơi lựa chọn.

Hộ gia đình, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai diện tích thửa đất trong hạn mức giao đất ở hoặc hạn mức công nhận đất ở được áp dụng tính thu tiền sử dụng đất; nếu bị phát hiện kê khai gian lận sẽ bị truy thu nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai và bị xử phạt theo quy định của pháp luật về thuế”.

Khoản 3, Điều 7 Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận thừa kế quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp mà không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, nay được cấp đổi Giấy chứng nhận thì không được tính là một lần đã xác định diện tích đất trong hạn mức để tính thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP”.

Về giá đất để tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích, Điểm a, Điểm b, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất quy định như sau:

“a) Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất hoặc có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6, Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở… thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

b) Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top