Gửi câu hỏi
Lao động - Tiền lương

Hỏi: Bộ LĐTB&XH phản hồi kiến nghị 1 thông tư có 2 phiên bản

Quang Vinh - 07:51 13/10/2020

Chi tiết câu hỏi

Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/3/2017 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng hiện có 2 phiên bản với phần danh mục khác nhau.

Thông tư gốc sau một thời gian ban hành đã bị sửa đổi số lượng và mã nghề, tên nghề. 2 phiên bản Thông tư đang được áp dụng cùng lúc gây khó khăn, rối loạn trong tuyển dụng, công nhận trình độ nghề.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa là đơn vị thực hiện sách “Một số văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp” có Thông tư gốc để phát hành, nhưng cũng là đơn vị xử lý hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo theo mã nghề, tên nghề theo phiên bản khác của Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH, vừa là đơn vị thanh tra, kiểm tra mã nghề, tên nghề. Theo ông Vinh, như vậy chẳng khác nào đơn vị này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý vấn đề nêu trên

Trả lời

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:

Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/3/2017 ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng trên cơ sở ghép 2 danh mục đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý, có bổ sung, chỉnh sửa thêm ngành, nghề đào tạo theo góp ý, đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2017 và được phát hành trực tiếp tới các Bộ, ngành và các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các địa phương trong Hội nghị tuyển sinh tổ chức vào ngày 2/4/2017; bản điện tử được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ và Website của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Sau khi phát hành, Vụ Dạy nghề chính quy (nay là Vụ Đào tạo chính quy), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là đơn vị trực tiếp xây dựng, phát hành văn bản đã phát hiện sai sót khi in ấn và gửi nhầm danh mục kèm theo Thông tư là bản dự thảo chưa hoàn thiện nên đã có Công văn số 865/TCDN-DNCQ ngày 25/4/2017 gửi các Bộ, ngành, địa phương để thu hồi bản chưa hoàn thiện và gửi lại bản danh mục chính thức đã trình lãnh đạo Bộ phê duyệt, ban hành để các Bộ, ngành, địa phương triển khai tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, do chưa thu hồi hết bản nhầm lẫn nên còn có hiện tượng ở một số nơi có sử dụng bản nhầm lẫn nêu trên, không tự ý sửa đổi phần ban hành kèm theo Thông tư như ông Vinh phản ánh.

Việc nhầm lẫn này không gây hậu quả, vì chỉ là nhầm lẫn giữa mã nghề và tên nghề ở một số ngành nghề, chứ không ảnh hưởng đến nội dung, chương trình đào tạo, không hề có việc người học học những nghề không có trong danh mục. Từ năm 2017, 2018 các Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp theo đúng tên, mã ngành, nghề đào tạo của Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH bản chính thức (không có sai sót nào).

Mặt khác, năm 2019, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BLĐTBXH ngày 28/1/2019 bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo đó, toàn bộ danh mục ngành nghề đào tạo được cập nhật, chỉnh sửa, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ cả phần tiếng Anh cho tất cả các ngành nghề.

Hiện nay, toàn bộ danh mục ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đang được áp dụng theo Thông tư số 06/2019/TT-BLĐTBXH. Việc không đúng giữa mã nghề với tên nghề ở một số Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội một số tỉnh cấp cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được chỉnh sửa trực tiếp trên các Giấy chứng nhận đã cấp.

Việc ông Vinh cho rằng đơn vị của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp “vừa đá bóng, vừa thổi còi” là không chính xác vì việc phát hành cuốn sách “Một số văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp” là do Văn phòng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp cùng với các Vụ, đơn vị có liên quan (các đơn vị xây dựng, trình ban hành văn bản) và các chuyên gia của Tổ chức GIZ thực hiện; Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH là do Vụ Dạy nghề chính quy (nay là Vụ Đào tạo chính quy) chủ trì xây dựng, trình ban hành và phát hành chứ không phải do Vụ Pháp chế - Thanh tra.

Để xảy ra nhầm lẫn nêu trên trước hết là trách nhiệm của cán bộ của Vụ Đào tạo chính quy được giao rà soát, in ấn, trực tiếp phát hành, đính chính văn bản. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để khắc phục từ năm 2019 và nghiêm túc chấn chỉnh về trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top