Gửi câu hỏi
Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Hỏi: Cách tính dự toán gói thầu bảo hiểm công trình

Nguyễn Thị Huế - 08:20 15/09/2020

Chi tiết câu hỏi

Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 329/2016/TT-BTC quy định: “Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều này là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành, bao gồm toàn bộ vật liệu, chi phí nhân công, thiết bị lắp đặt vào công trình, cước phí vận chuyển, các loại thuế, phí khác và các hạng mục khác do chủ đầu tư cung cấp. Số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, kể cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có)” .

Khoản 21 Điều 15 Thông tư số 329/2016/TT-BTC quy định:

“1. Phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng được xác định theo Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo Điểm 1 Khoản I Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ năm mươi phần trăm (50%) trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo Điểm 1 Khoản II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Theo đó:

Giá dự toán gói thầu bảo hiểm = Phí bảo hiểm + Phụ phí bảo hiểm + Mức khấu trừ.

Trong đó:

- Phí bảo hiểm = tỷ lệ % × giá trị công trình xây dựng

- Phụ phí bảo hiểm: Rủi ro lũ lụt, bão (‰ theo giá trị công trình xây dựng hoặc giá trị hạng mục công trình, loại thiết bị lắp đặt vào công trình) + Rủi ro động đất, lún sụt (‰ theo giá trị công trình xây dựng hoặc giá trị hạng mục công trình, loại thiết bị lắp đặt vào công trình).

- Mức khấu trừ bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Áp dụng theo bảng (giá trị đối với rủi ro thiên tai + giá trị đối với rủi ro khác) hoặc bằng 5% giá trị tổn thất, tùy theo số nào lớn hơn.

Đề nghị cơ quan chức năng giải đáp:

- “Giá trị công trình xây dựng” nêu trong biểu phí của Phụ lục 7 là giá trị trước thuế hay sau thuế?

- Giá dự toán gói thầu bảo hiểm có bắt buộc phải đầy đủ cả 3 loại chi phí bao gồm Phí bảo hiểm + Phụ phí bảo hiểm + Mức khấu trừ hay không?

- Giá dự toán gói thầu bảo hiểm có phải tính thêm thuế GTGT 10% không, cụ thể: Giá dự toán gói thầu bảo hiểm = Phí bảo hiểm + Phụ phí bảo hiểm + Mức khấu trừ + Thuế GTGT?

Trả lời

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Giá trị công trình xây dựng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 329/2016/BTC, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành nhưng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, bao gồm cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có); số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với công trình trong thời gian xây dựng là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành có bao gồm các loại thuế, phí khác.

Phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm

Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “11. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.

Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 329/2016/TT-BTC quy định: “3. Biểu phí bảo hiểm, phụ phí bảo hiểm được quy định như sau:

a) Đối với bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng: Quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư số 329/2016/TT-BTC:

“1. Phí bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng được xác định theo Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, không bao gồm phần công việc lắp đặt hoặc có bao gồm phần công việc lắp đặt nhưng chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt thấp hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo Điểm 1 Khoản I Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với công trình xây dựng được bảo hiểm có giá trị dưới bảy trăm (700) tỷ đồng, có bao gồm công việc lắp đặt và chi phí thực hiện phần công việc lắp đặt chiếm từ năm mươi phần trăm (50%) trở lên tổng giá trị hạng mục công trình xây dựng được bảo hiểm: Phí bảo hiểm được xác định theo Điểm 1 Khoản II Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này...”.

Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Mục 1 và Mục 2 Phụ lục 7 Thông tư số 329/2016/TT-BTC: “Căn cứ vào vị trí cụ thể của công trình và các yếu tố để đánh giá mức độ rủi ro của công trình, doanh nghiệp bảo hiểm tính thêm phụ phí bảo hiểm...”.

Về mức khấu trừ bảo hiểm, Khoản 9 Điều 3 Thông tư số 329/2016/TT-BTC quy định: “9. Mức khấu trừ là số tiền cố định hoặc tỷ lệ phần trăm (%) của số tiền bồi thường bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm,…”.

Đề nghị bà Nguyễn Thị Huế căn cứ các quy định pháp luật trên và quy định pháp luật có liên quan để xác định dự toán gói thầu bảo hiểm.

Liên quan đến đấu thầu bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, Khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Khoản 4 Điều 38 và Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP; khoản 3 Điều 3 Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định: Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng có nghĩa vụ thực hiện theo mức phí bảo hiểm quy định tại Thông tư số 329/2016/TT-BTC.

Việc mua, bán bảo hiểm thông qua hình thức đấu thầu phải tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu và quy định về quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm tại Điều 39 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top