Gửi câu hỏi
Giao thông - Xây dựng - Tài nguyên - Môi trường

Hỏi: Thế nào được coi là thay đổi kết cấu chịu lực công trình?

Nguyễn Văn Dương - 09:56 31/05/2019

Chi tiết câu hỏi

Tại TPHCM có rất nhiều nhà "ổ chuột", diện tích nhỏ, ngập nước, xây gạch tạm kém an toàn, chưa pháp lý giấy tờ, phần lớn là gồm 1 tầng trệt và 1 gác gỗ. Thế nhưng, khi người dân xin sửa chữa, cải tạo thì UBND phường chỉ cho nâng nền, nâng gác, nâng mái (vì xin giấy phép xây dựng cực kỳ khó khăn và thậm chí không được, hoặc mất nhiều đất).

Những căn nhà này phần lớn trước đây do người dân xây dựng tạm, đặt gạch xây thẳng trên nền tự nhiên, chất lượng rất kém. Vì vậy nếu chỉ nâng gác, nâng mái lên cao 1,0m thì làm cho nhà càng kém an toàn hơn. Có những nhà chỉ xây tường 100, xây cao gần 6,0m, độ nghiêng đỉnh tường hơn 10cm, lại còn chịu cả sàn bằng tấm cemboard, rất nguy hiểm.

Bản thân tôi là kỹ sư kết cấu xây dựng, còn là đại biểu HĐND, thấy nhiều tình huống này của những bà con địa phương, căn cứ theo Điểm g, Điểm h, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 về trường hợp miễn xin giấy phép, tôi tư vấn cho chủ nhà khi sửa chữa cải tạo thì đổ bê tông cốt thép 4 cột tại 4 góc trong nhà gia cố 4 bức tường lại. Tại vị trí lấp sàn mới, đổ bê tông cốt thép 4 cây dầm trên đầu 4 cây cột để vừa gia cố bức tường, vừa làm khung đỡ hệ chịu lực của sàn mới. Như thế sẽ bảo đảm an toàn cho công trình, đồng thời thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, UBND phường và ngay cả UBND Quận không đồng ý cách làm này, cho rằng việc làm này đã thay đổi kết cấu chịu lực, vi phạm pháp luật.

Điểm g, h Điều 89 quy định như sau:

“g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc”.

Tôi đã tìm rất nhiều tư liệu để xem thế nào là thay đổi kết cấu chịu lực, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có văn bản nào chính thức giải thích vấn đề này.

Đứng về góc độ chuyên môn, tôi cho rằng thay đổi kết cấu chịu lực chính là thay đổi nội lực của kết cấu (theo chiều hướng nguy hiểm hơn). Xây tường cao lên trên hệ tường cũ là làm tăng thêm nội lực cho kết cấu tường cũ, đó mới chính là thay đổi kết cấu, còn dùng hệ khác đỡ tải trọng tăng thêm, làm cho hệ cũ không tăng thêm nội lực, mới chính là không thay đổi kết cấu.

Đây là vấn đề vướng mắc rất lớn trong việc áp dụng quy định pháp luật, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nhà ở của những bà con có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, kính trình cơ quan chức năng có văn bản giải thích rõ ràng:

1. Thế nào là thay đổi kết cấu chịu lực công trình?

2. Gia cố công trình cho an toàn hơn, có xếp vào loại thay đổi kết cấu chịu lực không trình không? Có cần phải xin phép xây dựng hay không?

Rất mong sớm có văn bản giải thích để tôi có đủ cơ sở bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân hiện tại và sau này.

Trả lời

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Theo nội dung hỏi của ông Dương thì kết cấu chịu lực hiện tại của các căn nhà là kết cấu tường gạch xây. Do đó, việc sửa chữa, cải tạo “… đổ bê tông cốt thép 4 cột tại 4 góc trong nhà gia cố 4 bức tường lại. Tại vị trí đáy hệ chịu lực sàn mới, đổ bê tông cốt thép 4 cây dầm xung quanh để vừa giữ ổn định tường, vừa làm khung đỡ hệ chịu lực của sàn mới” được “cán bộ phường và ngay cả cán bộ quận” cho rằng đã làm thay đổi kết cấu chịu lực của công trình là có cơ sở.

Để bảo đảm quyền lợi và an toàn của người dân, với tư cách Đại biểu HĐND (như nêu trong đơn của ông Dương), đề nghị ông hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo công trình theo quy định tại Chương V Luật Xây dựng năm 2014.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top