Gửi câu hỏi
Lao động - Tiền lương

Hỏi: Căn cứ xác định biên chế công chức cấp sở

Đinh Xuân Hải - 08:22 31/03/2016

Chi tiết câu hỏi

Từ khi thành lập đến nay, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên vẫn là đơn vị sự nghiệp do không kịp thời chuyển đổi thành cơ quan hành chính. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã nhiều lần lập đề án xin bổ sung biên chế công chức cho 2 đơn vị này để kiện toàn bộ máy tổ chức, nhiệm vụ, chức năng của Sở, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nếu 2 Chi cục này không chuyển đổi thành đơn vị quản lý Nhà nước thì sẽ cản trở lớn tới việc thực hiện công việc như, không thể xây dựng lực lượng thanh tra chuyên ngành của 2 lĩnh vực này, thiệt thòi cho cán bộ của 2 đơn vị, khó khăn cho công tác thanh tra chuyên ngành nói riêng, công tác thực hiện nhiệm vụ của ngành nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên nói chung. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp tháo gỡ.

Trả lời

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:

Tại Điểm a, b, Khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 25/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện quy định rõ “Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y là tổ chức hành chính trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Như vậy, nếu quy định Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật là đơn vị sự nghiệp thì không phù hợp, trái với quy định tại Thông tư liên tịch nêu trên và quy định của pháp luật chuyên ngành (Khoản 6, Điều 6 Pháp lệnh Thú y; Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP; Điểm b, Khoản 1, Điều 6 Luật Thú y có hiệu lực từ ngày 1/7/2016; Điều 9 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Khoản 2, Điều 3 Nghị định số 116/2014/NĐ-CP; Nghị định số 47/2015/NĐ-CP).

Biên chế công chức giao trên cơ sở vị trí việc làm

Thẩm quyền quyết định và trách nhiệm quản lý biên chế công chức quy định tại Điều 14, 15, 16, 17 tại các Nghị định của Chính phủ: số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 về quản lý biên chế công chức; số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP như sau:

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng biên chế công chức, biên chế công chức dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giao biên chế công chức sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn UBND cấp tỉnh xây dựng định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính theo biên chế công chức của các cơ quan, tổ chức thuộc HĐND và UBND các cấp.

HĐND cấp tỉnh quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan của HĐNĐ, UBND được cấp có thẩm quyền giao.

Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện lập kế hoạch biên chế công chức hàng năm; xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trình HĐND cấp tỉnh biên chế công chức và triển khai thực hiện sau khi được HĐND quyết định.

Biên chế công chức của 2 Chi cục trên được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng biên chế công chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm các Chi cục xây dựng kế hoạch biên chế công chức theo quy định của pháp luật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Như vậy, để có biên chế công chức bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành theo quy định pháp luật thì trước hết các Chi cục phải xây dựng Đề án vị trí việc làm theo quy định tại Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hàng năm, các Chi cục xây dựng Kế hoạch biên chế công chức theo đúng quy định tại các Nghị định của Chính phủ: số 21/2010/NĐ-CP, số 110/2015/NĐ-CP.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảm ơn ý kiến của ông Đinh Xuân Hải, Bộ sẽ đề nghị UBND tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo sớm kiện toàn tổ chức 2 Chi cục trên theo quy định pháp luật. Đồng thời, sẽ đề nghị Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Điện Biên quan tâm tạo điều kiện bố trí biên chế công chức của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định pháp luật.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top