Gửi câu hỏi
Giao thông - Xây dựng - Tài nguyên - Môi trường

Hỏi: Điều kiện UBND xã được trực tiếp quản lý dự án

Nguyễn Bá Nhi - 13:15 15/08/2018

Chi tiết câu hỏi

- Khoản 1, Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định "Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc để trực tiếp quản lý đối với dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình xây dựng quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 5 (năm) tỷ đồng, dự án có sự tham gia của cộng đồng và dự án có tổng mức đầu tư dưới 2 (hai) tỷ đồng do UBNDcấp xã làm chủ đầu tư".

- Khoản 2, Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP quy định "Cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận. Chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để giám sát thi công và tham gia nghiệm thu hạng mục, công trình hoàn thành. Chi phí thực hiện dự án phải được hạch toán riêng theo quy định của pháp luật".

- Khoản 8, Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 21 Nghị định 59/2015/NĐ-CP như sau: "Chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này để thực hiện”.

Cho tôi hỏi:

1. Theo quy định trên thì UBND cấp xã làm chủ đầu tư các công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng được sử dụng tư cách pháp nhân và bộ máy chuyên môn của UBND cấp xã khi có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án. Như vậy, điều kiện và năng lực của bộ máy chuyên môn UBND cấp xã được quy định như thế nào là đủ điều kiện, đủ năng lực và quy định tại văn bản nào?

2. Có một số UBND cấp xã: Trong đội ngũ cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách của UBND cấp xã không có người nào có trình độ trung cấp trở lên chuyên ngành xây dựng dân dụng, xây dựng cầu đường (nói chung là không có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng) nhưng UBND cấp xã vẫn quản lý các dự án của mình làm chủ đầu tư (các công trình cấp IV, kể cả các dự án sửa chữa, nâng cấp) là đúng hay sai?

3. Hàng năm UBND cấp xã đề nghị Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thẩm định và tham mưu UBND cấp huyện quyết định phê duyệt thu chi kinh phí quản lý dự án của UBND cấp xã để chi cho bộ phận chuyên môn của mình (chi làm thêm giờ, chi mua văn phòng phẩm, chi sửa chữa tài sản) trong quá trình quản lý dự án là đúng hay sai? Và cơ quan nào đúng cơ quan nào sai?

Trả lời

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Về hình thức chủ đầu tư trực tiếp thực hiện quản lý dự án, theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 5/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư sử dụng tư cách pháp nhân của mình và bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực để trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng.

Cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp (Điều 148 Luật Xây dựng 2014); các cá nhân tham gia quản lý dự án làm việc theo chế độ kiêm nhiệm phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc đảm nhận (Khoản 2, Điều 21 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP).

Đối với trường hợp không đủ điều kiện trực tiếp quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này để thực hiện (Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 42/2017/NĐ-CP). Chủ đầu tư phải thực hiện các nội dung quản lý dự án dầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan theo quy định tại Điều 66 Luật Xây dựng 2014.

Về công tác thu chi trong quản lý dự án, ông Nguyễn Bá Nhi cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền có liên quan để được giải đáp theo quy định.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top