Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học (ban hành năm 2012, được sửa đổi bổ sung một số điều năm 2018), cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh (Điểm b Khoản 2 Điều 34).
Do vậy, các trường có quyền xác định và công bố phương thức tuyển sinh phù hợp với điều kiện thực tế của trường như: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực, thi năng khiếu, xét tuyển kết quả học tập THPT, xét tuyển kết hợp thi THPT, xét tuyển kết hợp kết quả các môn thi/kết quả học tập THPT với chứng chỉ ngoại ngữ nói chung, IELTS nói riêng,...
Hơn nữa để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, một trong các điều kiện để thí sinh dự tuyển đại học là phải tốt nghiệp chương trình THPT của Việt Nam (theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trình độ trung cấp (trong đó, người tốt nghiệp trình độ trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành) hoặc đã tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam) ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam.
Như vậy, các thí sinh đều phải học đồng thời các môn học để bảo đảm đủ năng lực thi các môn tốt nghiệp cũng như hoàn thành chương trình học THPT (không chỉ ôn luyện thi để thi chứng chỉ ngoại ngữ).
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn phản ánh, kiến nghị của ông Nguyễn Đình Sang và sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung quy định tuyển sinh hiện hành để bảo đảm được quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng tuyển sinh.