Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH ngày 28/9/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đối với người có công với cách mạng và con của họ, đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi là: “Người có công với cách mạng và con của họ quy định tại Điều 1 của Thông tư này (sau đây gọi chung là sinh viên) theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 01 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (gọi chung là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học)”.
Như vậy đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi trong giáo dục không phân biệt học liên thông hay chính quy.
Tuy nhiên, tại Khoản 2, 3, 4 Điều 2 Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH, các đối tượng nêu trên sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sau:
“2. Học sinh, sinh viên thuộc nhiều diện được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo thì chỉ hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất.
3. Sinh viên cùng một lúc học ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học hoặc nhiều khoa, nhiều ngành trong cùng một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học thì chỉ được hưởng một chế độ ưu đãi mức cao nhất tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học.
4. Không áp dụng chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với học sinh, sinh viên quy định tại Khoản 1 Điều này thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đang hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học;
b) Đã hưởng chế độ ưu đãi tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học;
c) Người có công quy định tại Điều 1 của Thông tư này bị đình chỉ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng”.
Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên, bà Hoàng Thị Thu Hường đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện nơi bà đang sinh sống để được hướng dẫn chi tiết.