Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế trả lời vấn đề này như sau:
Tổng thời gian giải quyết hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT tối đa là 3 ngày đối với hồ sơ được cấp số tiếp nhận và 5 ngày đối với hồ sơ cần thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đã và đang là áp lực rất lớn đối với cơ quan quản lý. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, năng lực và nguồn lực cho công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của thị trường kinh doanh mỹ phẩm, số lượng hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm gia tăng. Phần mềm tác nghiệp giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm chưa đồng bộ và thường xuyên gặp trục trặc kỹ thuật nên thời gian giải quyết hồ sơ bị nhiều ảnh hưởng.
Cụ thể, số lượng hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu tăng đột biến, trong 8 tháng đầu năm 2022, số lượt hồ sơ tiếp nhận giải quyết là 26.896 hồ sơ (bao gồm hồ sơ nộp mới và lượt hồ sơ bổ sung), tăng 2.830 hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái.
Thông thường, trung bình số lượng hồ sơ công bố mỹ phẩm tiếp nhận 2.000 đến 2.500 hồ sơ/tháng, nhưng theo dữ liệu thống kê những tháng gần đây, số lượng hồ sơ tăng lên đến 4.500 hồ sơ/tháng. Trong bối cảnh nhân sự còn hạn chế, Cục Quản lý Dược rất nỗ lực giải quyết các hồ sơ này (cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc ra văn bản thông báo bổ sung hồ sơ).
Triển khai Quyết định số 2659/QĐ-BYT ngày 17/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, thủ tục hành chính cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu áp dụng theo cơ chế hải quan một cửa quốc gia từ ngày 1/1/2017.
Trong quá trình vận hành, Cục Quản lý Dược thường xuyên phối hợp với các bên liên quan để khắc phục kịp thời những trục trặc về kỹ thuật. Tuy nhiên, từ thời điểm Tổng cục Hải quan tiến hành nâng cấp phần mềm Cổng Thông tin một cửa Quốc gia vào đầu năm 2022 đến nay, hệ thống phần mềm công bố mỹ phẩm thường xuyên gặp trục trặc, phát sinh nhiều lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ. Do các lỗi kỹ thuật, nhiều hồ sơ phải bổ sung hoặc bị treo trên hệ thống.
Cục Quản lý Dược đã thường xuyên phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (đầu mối kỹ thuật về hệ thống phần mềm dịch vụ công của Bộ Y tế) gửi phản ánh đến Tổng cục Hải quan (đơn vị đầu mối phụ trách Cổng Thông tin Một cửa Quốc gia) và Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (đơn vị chịu trách nhiệm khắc phục trục trặc kỹ thuật của hệ thống) đề nghị khắc phục sớm và dứt điểm các lỗi kỹ thuật này.
Tuy nhiên, đến nay, hệ thống vẫn còn nhiều lỗi kỹ thuật chưa được khắc phục triệt để, trong quá trình vận hành vẫn thường xuyên có các lỗi phát sinh.
Ngoài ra, tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ pháp lý trong lĩnh vực mỹ phẩm vẫn còn diễn ra, vì vậy phải rà soát thận trọng nhiều nội dung trong hồ sơ công bố mỹ phẩm như nội dung mục đích sử dụng, dạng sản phẩm, các chất cấm sử dụng và các chất giới hạn sử dụng… tại phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; các giấy tờ pháp lý như giấy phép lưu hành tự do, giấy chứng nhận kinh doanh, giấy ủy quyền của cơ sở sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm.
Cục Quản lý Dược trân trọng ý kiến phản hồi của bà Nguyệt. Cục đã và đang cố gắng khắc phục các tồn tại của hệ thống công bố sản phẩm mỹ phẩm Một cửa Quốc gia và đề xuất nâng cấp, xây dựng phần mềm mới thay thế để cải thiện tiến độ giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm.
Đồng thời, cũng mong muốn phía doanh nghiệp lưu ý khi tiến hành nộp hồ sơ công bố mỹ phẩm bảo đảm hồ sơ đáp ứng đúng quy định để giảm tải thời gian giải quyết hồ sơ.
Theo dữ liệu thống kê, số lượng hồ sơ công bố mỹ phẩm chưa đạt yêu cầu và phải bổ sung chiếm 30-40% tổng số hồ sơ giải quyết cũng ảnh hưởng tiến độ giải quyết hồ sơ (đến nay có 8.655 hồ sơ cơ quan quản lý kiến nghị nhưng doanh nghiệp chưa nộp bổ sung hồ sơ).