Bảo hiểm xã hội - Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm thất nghiệp

Hỏi: BHXH Hà Nội làm rõ lý do trả lại hồ sơ của bà Bùi Thị Thanh Thủy

Bùi Thị Thanh Thủy - 08:58 23/05/2022

Chi tiết câu hỏi

Tôi mắc COVID-19 ngày 15/2/2022, hoàn thành cách ly ngày 21/2/2022. Trạm y tế phường đã cấp cho tôi Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH với ngày ký là ngày 8/3/2022. Trên Giấy chứng nhận, Trạm y tế đã ghi rất rõ ngày tôi bị bệnh, đồng thời xác nhận ngày tôi được hưởng BHXH là ngày 15-21/2/2022. Ngày 11/3/2022, công ty tôi đã gửi hồ sơ hưởng chế độ ốm đau lên BHXH quận Đống Đa, nhưng hồ sơ bị trả về với lý do, chữ ký xác nhận của thủ trưởng đơn vị không được đóng dấu có chữ ký in sẵn. Trạm y tế phường đã hỗ trợ cung cấp lại Giấy chứng nhận cho tôi với chữ ký của Trưởng Trạm y tế. Sau khi hoàn thiện Giấy chứng nhận, công ty đã gửi lại hồ sơ lên BHXH quận Đống Đa vào ngày 1/4/2022. Tuy nhiên, hồ sơ tiếp tục bị trả về với lý do, ngày ký trên Giấy chứng nhận không trùng với ngày bắt đầu mắc COVID-19. Tôi đã tìm hiểu Thông tư số 56/2017/TT-BYT nhưng không thấy có điều khoản nào quy định ngày Trạm y tế ký phải trùng với ngày bắt đầu bị bệnh theo như giải thích từ người giải quyết hồ sơ của tôi. Theo quy định của BHXH Việt Nam, hồ sơ nếu vượt quá 3 tháng sẽ không còn hợp lệ. Tôi xin hỏi, trường hợp hồ sơ của tôi nếu quá 3 tháng vẫn trong tình trạng chờ BHXH quận Đống Đa giải quyết thì có còn hợp lệ không? Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có ý kiến phản hồi về trường hợp của tôi.

Trả lời

BHXH TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:

BHXH là cơ quan thực hiện giải quyết các chế độ BHXH đối với người lao động theo Luật BHXH, Nghị định và các Thông tư ban hành hướng dẫn.

Tại Khoản 1,2,3,4,5, Điều 26 Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH thuộc lĩnh vực y tế có quy định trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó là cấp đầy đủ, kịp thời cho người lao động các loại giấy tờ làm căn cứ hưởng chế độ BHXH.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 tăng cao, việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho người lao động tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thực hiện cấp đúng việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, cụ thể:

- Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cấp cho người lao động sử dụng con dấu khắc dấu chữ ký: Về nội dung này, BHXH TP. Hà Nội đã có Công văn số 922/BHXH-CĐBHXH ngày 18/3/2022 gửi Sở Y tế TP. Hà Nội chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh tuyệt đối không được dùng khắc dấu chữ ký của Thủ trưởng đơn vị để đóng trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Ngày 30/3/2022, Sở Y tế TP. Hà Nội có Công văn số 1438/SYT-NVY về việc chấn chỉnh các cơ sở khám chữa bệnh và yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc cho người lao động đúng theo quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

- Việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cấp cho người lao động có ngày cấp không đúng với ngày người lao động bị mắc COVID-19 (cấp lùi ngày so với ngày người lao động bị ốm đau do mắc COVID-19): Việc cấp lùi ngày cấp được ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là nội dung vướng mắc do chưa đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã báo cáo Bộ Y tế và ngày 2/3/2022 Bộ Y tế đã có Tờ trình số 279/TTr-BYT trình Chính phủ về việc giải quyết cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cơ quan BHXH chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cơ quan BHXH cũng đã hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động tập hợp các chứng từ của người lao động mà do các cơ sở khám chữa bệnh cấp chưa đúng (cấp lùi ngày so với ngày người lao động bị ốm đau do mắc COVID-19). Khi có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, BHXH TP. Hà Nội sẽ thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động nộp lại hồ sơ để thực hiện xét duyệt, giải quyết.

Về nội dung hỏi, hồ sơ vượt quá 3 tháng có còn hợp lệ không: Theo quy định tại Điều 102 Luật BHXH về việc giải quyết hưởng chế độ ốm đau thai sản thì trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động. Do vậy, hồ sơ của bà sẽ đủ điều kiện để giải quyết khi có văn bản hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền.

Việc bà Thủy phản ánh chính là hai nội dung vướng mắc nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình BHXH quận Đống Đa tiếp nhận hồ sơ của người lao động do đơn vị nộp, khi không giải quyết được, phải trả lại thì sẽ thực hiện ghi đầy đủ lý do và hướng dẫn cụ thể để người lao động biết và thực hiện, đây là thiếu sót của BHXH quận Đống Đa trong việc trả lại mà lý do chưa nêu đầy đủ.

Cơ quan BHXH sẽ tiếp thu và phản ánh lại với BHXH quận Đống Đa để nghiêm túc rút kinh nghiệm.