Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường

Hỏi: Bộ NN&MT phản hồi đề xuất bỏ quy định khảo nghiệm phân bón

Công ty TNHH F.N. - 14:05 11/07/2025

Chi tiết câu hỏi

Các quy định hiện hành yêu cầu bắt buộc khảo nghiệm nông học (diện hẹp, diện rộng) đối với hầu hết các loại phân bón mới, ngoại trừ một số phân đơn N, P, K và phân hữu cơ tự nhiên. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, đa số quốc gia chỉ yêu cầu kiểm tra chất lượng thành phần dinh dưỡng và an toàn (không bắt buộc khảo nghiệm nông học) đối với các sản phẩm chuẩn mực như NPK, phân hữu cơ thông thường, phân bón lá hữu cơ. Theo chúng tôi, quy định khảo nghiệm hiện tại chưa thực sự phù hợp với định hướng cắt giảm thủ tục và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Do vậy, chúng tôi xin đề xuất miễn khảo nghiệm nông học bắt buộc đối với phân bón vô cơ chuẩn (NPK, phân đơn), phân hữu cơ truyền thống, phân bón lá hữu cơ nếu đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và có kết quả kiểm định chất lượng từ phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế (ISO/IEC 17025). Chỉ yêu cầu khảo nghiệm đối với sản phẩm có thành phần mới, công thức cải tiến hoặc yêu cầu chứng nhận đặc biệt. Công nhận kết quả kiểm định từ các tổ chức quốc tế uy tín để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu. Tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm để tập trung quản lý hiệu quả hơn.

Trả lời

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 1 Điều 36 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định: "Phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, trừ phân bón hữu cơ được sản xuất để sử dụng không vì mục đích thương mại, phân bón được nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật này; phân bón được sản xuất để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài".

Điểm a khoản 1 Điều 37 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định về điều kiện cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam bao gồm: "Đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón".

Điều 39 Luật Trồng trọt năm 2018 quy định:

"1. Phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành, trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Các loại phân bón không phải khảo nghiệm bao gồm:

a) Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

b) Phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm (N) hoặc lân (P) hoặc kali (K), đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

c) Phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm (N), lân (P), kali (K) được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học, đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

d) Phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

3. Phân bón được khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp; khảo nghiệm diện rộng chỉ được tiến hành sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp.

4. Việc khảo nghiệm phân bón thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm".

Đối với phân bón, mặc dù có chỉ tiêu chất lượng đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật nhưng phương thức, liều lượng và hiệu quả sử dụng (nông học, kinh tế) khác nhau nếu thành phần, hàm lượng, nguyên liệu đầu vào, công nghệ sản xuất khác nhau. Vì vậy, phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Trồng trọt năm 2018 là một trong những quy định không thể thiếu trong công tác quản lý nhà nước về phân bón.

Việc khảo nghiệm phân bón nhằm mục đích: (1) Xác định hiệu quả nông học, kinh tế cũng như giá trị sử dụng của từng loại phân bón đối với cây trồng trong sản xuất nông nghiệp; (2) kết quả khảo nghiệm là căn cứ để hướng dẫn sử dụng (chế độ bón và cách sử dụng phù hợp nhất cho từng đối tượng cây trồng trên các vùng thổ nhưỡng khác nhau); (3) nhằm đánh giá tác động của phân bón đối với môi trường đất, chất lượng an toàn vệ sinh của nông sản làm cơ sở cảnh báo an toàn trong sử dụng phân bón; (4) làm cơ sở cho nhà sản xuất, kinh doanh và người sử dụng lựa chọn các sản phẩm phân bón tiến bộ, hiệu quả kinh tế cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, thay thế các sản phẩm phân bón hiệu quả thấp; (5) bảo vệ quyền lợi của người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 26/3/2025 của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026; theo đó, mục tiêu bảo đảm cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm thời gian giải quyết, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế có liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.