Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời vấn đề này như sau:
Chuối là cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta với hơn 154.000 ha, sản lượng hằng năm vượt hơn 2,3 triệu tấn (chiếm hơn 13% về diện tích, 18% sản lượng cây ăn quả cả nước), với lợi thế thu hoạch quanh năm, phạm vi phân bố rộng, có mặt trong sản xuất tại khắp các địa phương trong cả nước:
Hiện cả nước có 52 tỉnh, thành phố có quy mô diện tích trồng chuối trên 1.000 ha, trong đó có 18 địa phương có diện tích trên 3.000 ha/tỉnh, lớn nhất là 2 tỉnh Đồng Nai (trên 13.000 ha) và Sóc Trăng (9.500 ha).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng giai đoạn đến năm 2025 và 2030 tiếp tục phát triển sản xuất cây chuối với quy mô khoảng 165.000-175.000 ha, sản lượng 2,6-3 triệu tấn.
Về tiêu thụ, sản lượng và giá trị xuất khẩu chuối có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây; tuy nhiên đến nay thị trường nội địa vẫn là chủ yếu, chiếm khoảng 65% tổng sản lượng.
Như vậy, có thể khẳng định nguồn cung chuối của nước ta khá dồi dào cả về sản lượng, địa bàn và thời gian mùa vụ, thuận lợi trong tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nói chung và mục đích sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lợn, gà... nói riêng nhằm thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu (bột ngô...).
Cùng với phát triển quy mô sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quan tâm đầu tư cho công tác nghiên cứu chọn tạo các giống chuối mới có năng suất, chất lượng, đặc biệt là giống kháng bệnh (bệnh vàng lá Panama), hoàn thiện kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Bộ đã ban hành, xây dựng đề xuất Chính phủ ban hành nhiều quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản nói chung, trong đó có cây chuối:
Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;
Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đấu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia được hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP (trong đó có nhóm rau quả nói chung, chuối nói riêng);
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng, ban hành Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến 2025 và 2030 (Quyết định số 4085/BNN-TT ngày 27/10/2022), trong đó có định hướng phát triển cây chuối, để các địa phương vận dụng.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã cụ thể hóa, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Trên cơ sở các chính sách liên quan, đề nghị các doanh nghiệp đã và đang định hướng sử dụng một phần sản phẩm chuối quả (cũng như các sản phẩm khác từ cây chuối) phục vụ làm thức ăn chăn nuôi tổ chức sản xuất, chế biến và liên kết chặt chẽ với nông dân hình thành vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn theo hướng nông nghiệp xanh, tuần hoàn, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.