Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Nội vụ trả lời vấn đề này như sau:
Để đảm bảo thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kỹ thuật cụ thể như:
1. Điều kiện về công nghệ kỹ thuật
a) Doanh nghiệp cần phải có phần mềm gửi, nhận văn bản điện tử đảm bảo các yêu cầu theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
b) Doanh nghiệp cần đảm bảo hệ thống hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo mật thông tin theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
c) Doanh nghiệp cần có chữ ký số đúng theo quy định của pháp luật do một trong những đơn vị sau đây cung cấp:
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng;
- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng được quy định tại Điều 40 của Nghị định số 130/2018/NĐCP1 ngày 27/9/2018.
2. Điều kiện về kết nối liên thông văn bản điện tử
Hiện tại, Trục liên thông văn bản quốc gia thực hiện liên thông văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước do Văn phòng Chính phủ đang quản lý; đề nghị Doanh nghiệp liên hệ với Văn phòng Chính phủ xin được kết nối phần mềm gửi nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử.
Sau khi doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên và được Văn phòng Chính phủ cho phép kết nối với Trục liên thông văn bản điện tử, khi đó Doanh nghiệp mới có thể thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử đến các cơ quan hành chính nhà nước.