Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định: Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các Điểm a, b, c, d và h Khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.
Căn cứ Khoản 3 Điều 85 Luật BHXH năm 2014 và Khoản 4, Khoản 5 Điều 42 Văn bản hợp nhất số 922/VBHN-BHXH ngày 5/4/2023 của Bảo hiểm hiểm xã hội Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định:
- Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.
- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
Do bà T. chưa cung cấp thông tin chính xác ngày nghỉ tuần và ngày nghỉ dịp lễ giỗ Tổ, 30/4, 1/5 của công ty bà, nên bà đối chiếu các quy định trên để biết, thực hiện.