Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Nội vụ trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP), trường hợp người tập sự có bằng tốt nghiệp ở trình độ đào tạo cao hơn so với yêu cầu về trình độ đào tạo của vị trí việc làm tuyển dụng thì mỗi mức trình độ đào tạo cao hơn được cộng thêm 1 bậc lương và được hưởng 85% hệ số lương ở bậc được xếp. Các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.
Theo Điểm b Khoản 2 và Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP), thời gian tập sự đối với trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng là 9 tháng; trường hợp người được tuyển dụng vào viên chức được bố trí làm công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo, theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của công việc trước đây đã đảm nhiệm và thời gian công tác làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, có đóng BHXH bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn), bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng theo quy định thì không phải thực hiện chế độ tập sự.
Theo đó, trường hợp bà Ngô Thanh Vân có trình độ đào tạo đại học, có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc (nếu không liên tục thì được cộng dồn) làm công việc đúng chuyên ngành đào tạo và theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm được tuyển có yêu cầu trình độ đào tạo cao đẳng bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự theo quy định là 9 tháng thì không phải thực hiện chế độ tập sự và được cộng thêm 1 bậc lương.
Theo quy định tại Tiết 2 Điểm a Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV, đối với các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng 1 bậc lương.