Gửi câu hỏi
Giao thông - Xây dựng - Tài nguyên - Môi trường

Hỏi: Căn cứ cấp phép, quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ

Công ty CP Tư vấn Khảo sát Thiết kế và Quy hoạch xây dựng công trình - 11:18 05/10/2024

Chi tiết câu hỏi

Trong Luật Đo đạc và bản đồ không có mục đo đạc, thành lập bản đồ công trình, mà chỉ có mục tại Điều 29 là đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi xin hỏi, cơ sở căn cứ pháp luật nào để đưa mục đo đạc, thành lập bản đồ công trình vào danh mục của Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ? Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan đến nội dung đo đạc, thành lập bản đồ công trình này chưa? Nếu có, chúng tôi mong muốn được cung cấp thông tin để có cơ sở, căn cứ pháp lý thực hiện. Ngoài ra, các đơn vị và cá nhân muốn được cấp giấy phép và chứng chỉ hành nghề đo đạc, thành lập bản đồ công trình phải thực hiện theo văn bản pháp lý nào? Đáp ứng các tiêu chuẩn nào? Luật Đo đạc và bản đồ phân chia cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển quy định theo các mức tỷ lệ lớn gồm 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000; mức tỷ lệ trung bình gồm 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000; mức tỷ lệ nhỏ gồm: 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000. Trong khi đó, tại Điều 29 danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép và một số nội dung khác tại Nghị định và các Thông tư quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn,... liên quan đến Luật lại phân chia việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia theo các mức: tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000; mức: tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000; mức: tỷ lệ 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000. Như vậy ở đây đã có sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa Luật và các văn bản dưới Luật... gây khó khăn cho các cơ quan quản lý chủ đầu tư, doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức hành nghề đo đạc và bản đồ. Chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề này.

Trả lời

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Hoạt động đo đạc và bản đồ là việc đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác.

Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Đo đạc và bản đồ.

Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản quy định tại Điều 10 Luật Đo đạc và bản đồ. Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành quy định tại Điều 22 Luật Đo đạc và bản đồ.

Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép theo quy định của Chính phủ được quy định tại Điều 51 Luật Đo đạc và bản đồ. Theo đó, Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép được quy định tại Điều 29 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Đo đạc, thành lập bản đồ công trình là một trong các hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành quy định tại Khoản 9 Điều 22 Luật Đo đạc và bản đồ.

Đã phân rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy định về đo đạc và bản đồ

Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, cơ quan ngang Bộ khác về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ theo thẩm quyền được quy định tại Điều 57 Luật Đo đạc và bản đồ.

Theo đó Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ cơ bản, đo đạc và bản đồ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố.

Bộ, cơ quan ngang Bộ khác xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố và tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.

Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cấp cho tổ chức kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ theo quy định tại Điều 51 Luật Đo đạc và bản đồ.

Tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ để được cấp giấy phép có nội dung "Đo đạc, thành lập bản đồ công trình" phải đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 52 Luật đo đạc và bản đồ, Điều 31 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP.

Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép theo quy định của Chính phủ được quy định tại Điều 51 Luật Đo đạc và bản đồ. Theo đó, Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép được quy định tại Điều 29 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP.

Tại Điểm a Khoản 6 Điều 29 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP quy định nội dung hoạt động "Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000" được xây dựng trên cơ sở phân cấp quản lý, quy định trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia được quy định tại Điều 16 Luật Đo đạc và bản đồ.

Như vậy, việc quy định nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép "Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000" nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phân cấp quản lý, tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ tham gia xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phù hợp với quy định của Luật Đo đạc và bản đồ và các quy định pháp luật khác liên quan.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top