Hỏi: Giáo viên có được hưởng chính sách nhà ở công vụ, nhà ở xã hội?
Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Về chính sách nhà ở công vụ, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 32 Luật Nhà ở năm 2014 quy định đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm:
"đ) Giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo".
Ngày 27/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, tại Điểm đ Khoản 1 Điều 45 Luật Nhà ở năm 2023 quy định đối tượng được thuê nhà ở công vụ bao gồm:
"đ) Giáo viên, bác sĩ, nhân viên y tế đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo;".
Như vậy, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì giáo viên, nhân viên đang công tác được thuê nhà ở công vụ bao gồm cả khu vực nông thôn và khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Về chính sách nhà ở xã hội: Đối với những giáo viên, nhân viên đến công tác tại các khu vực không phải là khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo sẽ được hỗ trợ nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội theo quy định tại Khoản 8 Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023:
"8. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;".
Ngày 11/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1625/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 – 2015 và lộ trình đến năm 2020. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện việc tổng kết Đề án này và chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng cho giai đoạn tiếp theo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về nhà ở, đối với việc phát triển nhà ở công vụ thì UBND cấp tỉnh lập và phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở công vụ trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương (trong đó xác định rõ nhu cầu về nhà ở công vụ bao gồm: số lượng nhà ở, diện tích sàn nhà ở, địa điểm xây dựng và diện tích đất để xây dựng nhà ở; nguồn vốn và phân kỳ đầu tư xây dựng).
Như vậy, pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan đã có quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ về nhà ở công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức là giáo viên đến công tác tại khu vực nông thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở nói chung, các quy định liên quan đến nhà ở công vụ cho giáo viên nói riêng, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của đất nước cũng như của từng địa phương.
Câu hỏi xem nhiều nhất
Chi phúc lợi tại đơn vị sự nghiệp theo quy định nào?
Trường hợp nào được xếp lương bậc 2 khi tuyển dụng?
Có được ký hợp đồng với người lao động đã nghỉ hưu?
Hiệu lực của thông báo thu hồi đất
Điều kiện dự xét thăng hạng Giáo viên tiểu học hạng II
Thời gian xét bổ nhiệm chức danh Giáo viên tiểu học hạng II
Tìm kiếm