Hỏi: Thế nào bị coi là vi phạm bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu?
Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 6 Luật Đấu thầu năm 2023:
"2. Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này và với các bên sau đây:
"a) Các nhà thầu tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định nhiệm vụ khảo sát, thiết kế; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; nhà thầu tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; nhà thầu tư vấn thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó;
b) Các nhà thầu khác cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế".
... 4. Nhà thầu quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này được đánh giá độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
"a) Không cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 30% của nhau;
c) Nhà thầu không có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của nhau khi cùng tham dự thầu trong một gói thầu đối với đấu thầu hạn chế;
d) Nhà thầu tham dự thầu với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó không có cổ phần hoặc phần vốn góp của nhau; không cùng có cổ phần hoặc phần vốn góp trên 20% của một tổ chức, cá nhân khác với từng bên".
Theo đó, trường hợp 2 đơn vị sự nghiệp công lập cùng thuộc một cơ quan hoặc tổ chức trực tiếp quản lý tham dự gói thầu của nhau là vi phạm quy định về bảo đảm cạnh tranh nêu trên.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ nhà thầu tham dự gói thầu tư vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu đó (nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu đó, bao gồm: lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả lựa chọn nhà thầu; tư vấn quản lý dự án, quản lý hợp đồng, tư vấn khác mà các dịch vụ tư vấn này có phần công việc liên quan trực tiếp tới gói thầu).
Tại Mục 3 Chương I mẫu hồ sơ yêu cầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định nhà thầu được chỉ định thầu gói thầu tư vấn là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g và i Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu; nhà thầu là hộ kinh doanh có tư cách hợp lệ khi đáp ứng quy định tại các Điểm a, b Khoản 2 và các Điểm d, e Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.
Theo đó, bảo đảm cạnh tranh đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu thực hiện theo quy định nêu trên.