Nguyễn Văn Được -
14:28 19/05/2025
Công ty tôi đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kế toán và đại lý thuế. Trong quá trình hoạt động, công ty tôi có một số vướng mắc về quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đề nghị được cơ quan chức năng hướng dẫn. - Thứ nhất: Về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính Hiện nay, các cơ quan thuế có văn bản hướng dẫn Nghị định 125/2020/NĐ-CP đối với hành vi vi phạm hành chính được lặp đi lặp lại tại nhiều thời điểm khác nhau bị xử lý từng hành vi gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử trường hợp nêu tại Công văn số 2356/TCT-PC ngày 4/7/2022 về việc xử phạt vi phạm hành chính: "Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế khai sai nhiều tờ khai thuế GTGT, nhiều hồ sơ quyết toán thuế TNDN nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế được miễn, giảm hoặc chưa được hoàn thuế và không thuộc trường hợp cùng một thời điểm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế thực hiện hành vi vi phạm hành chính trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý thi hành vi vi phạm hành chính thực hiện sau sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với tình tiết tăng nặng là: vi phạm nhiều lần". Ngoài ra, Công văn số 5974/TCT-PC; Công văn số 2768/TCT-PC ngày 26/7/2021; Công văn số 1025/TCT-PC ngày 5/4/2022; Công văn số 5125/CTBNI-TTHT ngày 07/11/2023 hướng dẫn từng tình huống cụ thể cũng có nội dung tương tự như nội dung Công văn số 2356/TCT-PC nêu trên. Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, trường hợp doanh nghiệp vi phạm 1.000.000 hóa đơn về hành vi lập hóa đơn không đầy đủ các tiêu thức bắt buộc trên hóa đơn theo khoản 4 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP bị phạt tiền với mức phạt đối với tổ chức là 8.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng, mức phạt trung bình là 12.000.000 đồng; và mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt. Theo đó, mức phạt hành chính theo quan điểm của cơ quan thuế đối với vi phạm nêu trên là 13.199.998.800.000 trong đó: (i) Mức phạt mức trung bình áp dụng hành vi (hóa đơn) đầu tiên: 1 x 12.000.000 = 12.000.000 đồng; (ii) Mức phạt tăng 10% cho hành vi (hóa đơn) tiếp theo: 999.999 x 12.000.000 x 110% = 13.199.986.800.000 đồng. Như vậy, mức xử phạt hành chính được tính theo quan điểm và hướng dẫn của cơ quan thuế nêu trên quá lớn đối với doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp không thể thực hiện được nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ thực thi theo quyết định hành chính do ảnh hưởng đến quá trình hoạt động kinh doanh và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền phạt. Theo quan điểm của ông Được, việc hướng dẫn của cơ quan thuế nêu trên là chưa phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, do: Theo khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với trường hợp "một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng". Theo khoản 2 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm hành chính nhiều lần đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng. Như vậy, các quy định nêu trên được hiểu là: Nếu hành vi vi phạm nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng thì không xử phạt hành chính về từng hành vi vi phạm. Mặt khác, tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định tình tiết tăng nặng trong lĩnh vực thuế, hóa đơn được xác định theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 1; khoản 2 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định tình tiết tăng nặng đối với hành vi vi phạm nhiều lần: ... "b. Vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm": ... "2. Tình tiết quy định tại khoản 1 Điều này đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng". Theo khoản 3 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP cho thấy việc vi phạm hành chính nhiều lần được xác định là tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP và tại khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính không được loại trừ để xác định xử phạt một hành vi. Hay nói cách khác, cơ quan thuế đã vận dụng tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP để xử phạt từng hành vi đối với trường hợp vi phạm nhiều lần được xác định là tình tiết tăng nặng là không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020. - Thứ hai: Về nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền khi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: Theo điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn và phạt tiền tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế. Theo đó, mức phạt tiền tối đa theo quy định nêu trên dẫn đến ba cách hiểu như sau: (i) Mức phạt tiền tối đa được áp dụng trên tổng mức phạt của tất cả các hành vi vi phạm; (ii) Mức phạt tiền tối đa được áp dụng trên tổng nhiều lần vi phạm của một hành vi; (iii) Mức phạt tiền tối đa được áp dụng cho mức phạt của một hành vi. Hiện nay, một số cơ quan thuế và một số công chức thuế có quan điểm áp dụng theo trường hợp (iii). Mức phạt tiền tối đa được áp dụng cho mức phạt của một hành vi. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ: Khi áp dụng cách hiểu nêu trên, có rất nhiều trường hợp mức phạt tiền tối đa khi vi phạm thủ tục hành chính cao hơn rất nhiều mức phạt tiền tối đa của một số tội phạm hình sự ví dụ: Tội trốn thuế... hay nói cách khác, chế tài xử lý hành chính cao hơn rất nhiều chế tài xử lý hình sự là không phù hợp với tinh thần xử lý hành chính và hình sự. Mức tiền phạt trong xử phạt vi phạm hành phải bảo đảm đồng thời những yêu cầu khác nhau như: tính thích đáng với hành vi và hậu quả của vi phạm hành chính gây ra; tính phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như điều kiện về mặt tài chính của từng đối tượng vi phạm cụ thể nói riêng; và tính răn đe của chế tài xử phạt nhằm giúp giảm thiểu vi phạm hành chính có thể xảy ra. Đối với quan điểm xử lý hành chính như trường hợp (iii) nêu trên dẫn đến mức phạt rất cao gây áp lực cho người bị xử lý vi phạm hành chính (doanh nghiệp, người nộp thuế...) không có khả năng thi hành quyết định xử phạt hành chính dẫn đến mục tiêu của xử lý vi phạm hành chính không đạt được. Từ những phân tích nêu trên cho thấy, mặc dù các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế không phải văn bản pháp luật nhưng nó có ảnh hưởng rất lớn đến quan điểm xử lý của các cơ quan thuế địa phương và các công chức thuế, gây áp lực và sự bất an trong cộng đồng doanh nghiệp. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét một số nội dung như sau: Một là, để bảo đảm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 cần thống nhất quan điểm: "Một hành vi vi phạm hành chính nhiều lần đã được quy định là tình tiết tăng nặng thì bị xử phạt một hành vi" bao gồm: hành vi vi phạm nhiều lần cùng một thời điểm hoặc khắc phục hậu quả tại một thời điểm của nhiều hành vi như quy định tại khoản 3a, 3b, 3c Điều 5 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP và các hành vi vi phạm nhiều lần khác thời điểm. Hai là, thống nhất quan điểm áp dụng mức phạt tiền tối đa tại điểm b khoản 1 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc "mức phạt tiền tối đa được áp dụng trên tổng mức phạt của tất cả các hành vi vi phạm" nhằm bảo đảm nguyên tắc xử lý hành chính mang tính chất răn đe đồng thời giảm bớt áp lực cho người bị xử lý vi phạm hành chính cũng như phù hợp thực tiễn.
Xem chi tiết