Gửi câu hỏi
Tài chính – Ngân hàng – Công Thương

Hỏi: Tăng cường quản lý xuất xứ thể hiện trên nhãn hàng hóa

Nguyễn Minh Thức - 07:05 05/07/2025

Chi tiết câu hỏi

Hiện nay, nhiều sản phẩm được quảng cáo là "hàng Việt", "sản xuất tại Việt Nam", nhưng thực tế phần lớn linh kiện, nguyên liệu lại được nhập khẩu. Việc không minh bạch tỉ lệ nội địa hóa khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn, đồng thời làm giảm động lực phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét ban hành quy định bắt buộc các doanh nghiệp ghi rõ tỷ lệ nội địa hóa trên nhãn hàng hóa, đặc biệt là với các sản phẩm công nghiệp, ô tô, điện tử, thực phẩm chế biến...; xây dựng quy chuẩn về cách tính và thể hiện % nội địa hóa trên nhãn hàng hóa; phân loại rõ các ngưỡng như: "Sản phẩm 100% nội địa", "Tỉ lệ nội địa hóa trên 70%", "Tỉ lệ nội địa hóa dưới 30%"...; có biện pháp hậu kiểm để tránh việc ghi nhãn sai lệch, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng; xây dựng cổng thông tin quốc gia công khai tỉ lệ nội địa hóa để người dân tra cứu; có thể xem xét giảm thuế GTGT theo % nội địa hóa. Việc này không chỉ nâng cao tính minh bạch, mà còn là công cụ giúp người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm Việt chất lượng, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bắt đầu từ trường học nhằm hình thành nhận thức từ thế hệ trẻ. Đồng thời, có sự sáng tạo trong cách làm, tránh lối tuyên truyền máy móc như trước đây.

Trả lời

Bộ Công Thương trả lời vấn đề này như sau:

Theo sự phân công của Chính phủ tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP, phạm vi chức năng quản lý liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa thuộc thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đối với việc ghi nhãn hàng hóa liên quan đến xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, tổ chức cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu đầy đủ cơ sở pháp lý được hướng dẫn tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP để triển khai thực hiện.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác quản lý liên quan đến xuất xứ hàng hóa thể hiện trên nhãn hàng hóa.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top