Gửi câu hỏi
Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Hỏi: Quy định về chuyển nguồn từ nguồn thu phí được để lại

Trần Anh Tuấn - 09:19 14/01/2021

Chi tiết câu hỏi

Đơn vị tôi là đơn vị dự toán cấp 3, thuộc đơn vị hành chính sự nghiệp tự chủ chi hoạt động thường xuyên từ nguồn phí để lại. Trong năm 2018, đơn vị có một số chi phí hoạt động thường xuyên được thực hiện trong năm 2018 như: Chi phí tiền xăng, vé máy bay, phụ cấp làm đêm, truy lĩnh lương…

Tuy nhiên do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình tập hợp, lưu chuyển, kiểm tra chứng từ nên đã thanh toán trong tháng 1, 2, 3 thuộc dự toán năm 2019.

Các nội dung thanh toán trên bảo đảm đầy đủ các chứng từ theo quy định và đã được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi chấp thuận thanh toán. Nay khi thực hiện quyết toán đơn vị cấp trên yêu cầu xuất toán với lý do các chi phí trên thuộc dự toán được giao năm 2018, không nằm trong phạm vi dự toán được giao (theo Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017) nên không được thanh toán vào dự toán chi phí năm 2019.

Đơn vị tôi có giải trình theo theo Điểm 3b Mục 1 Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 và Thông tư số 319/2016/TT-BTC ngày 13/12/2016, đồng thời dự toán chi hoạt động thường xuyên của đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao không có nội dung danh mục chi tiết. Tuy nhiên đơn vị quyết toán vẫn không chấp thuận.

Cho tôi hỏi, Thông tư số 319/2016/TT-BTC quy định xử lý chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2016 sang năm 2017 vậy có được áp dụng chuyển nguồn cho các năm 2018, 2019 không? Nếu không thì thực hiện theo văn bản nào? Các nội dung xuất toán trên của cơ quan quyết toán có đúng quy định không?

Trả lời

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Theo Khoản 4 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước, quy định: “... 4. Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên”.

Tại Điều 61 quản lý, sử dụng ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách:

“1. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách.

2. Người phụ trách công tác tài chính, kế toán tại đơn vị sử dụng ngân sách có nhiệm vụ thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính - ngân sách, chế độ kế toán nhà nước, chế độ kiểm tra nội bộ và có trách nhiệm ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị thủ trưởng đơn vị, cơ quan tài chính cùng cấp xử lý đối với những trường hợp vi phạm”.

Tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật Phí và lệ phí, quy định:

“2. Số tiền phí được khấu trừ và được để lại quy định tại Khoản 1 Điều này được sử dụng như sau:

…b) Số tiền phí để lại được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật; hàng năm phải quyết toán thu, chi. Số tiền phí chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định…”.

Tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, quy định: “Hàng năm, tổ chức thu phí phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định”.

Tại Điều 1 Thông tư  số 319/2016/TT-BTC 13/12/2016 của Bộ Tài chính quy định việc xử lý chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2016 sang năm 2017 quy định: Thông tư này quy định việc xử lý chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2016 sang năm 2017.

Tại Điều 7 Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25/12/2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm, quy định:

“1. Nội dung thẩm định quyết toán năm: Căn cứ báo cáo quyết toán năm và thông báo xét duyệt quyết toán của đơn vị dự toán cấp trên hoặc đơn vị dự toán cấp I gửi theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 3 và Khoản 3 Điều 6 Thông tư này, cơ quan thẩm định thực hiện:

… c) Kiểm tra số liệu tăng, giảm quyết toán so với dự toán ngân sách được cơ quan có thẩm quyền giao:...

- Kiểm tra dự toán chi ngân sách được giao trong năm, bảo đảm khớp đúng với dự toán được cấp có thẩm quyền giao (bao gồm dự toán giao đầu năm, dự toán bổ sung, điều chỉnh trong năm) về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi....”.

Căn cứ các quy định trên, Thông tư số 319/2016/TT-BTC quy định việc xử lý chuyển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2016 sang năm 2017 (quy định tại Điều 1 Thông tư 319/2016/TT-BTC). Vì vậy, đơn vị không được áp dụng chuyển nguồn cho các năm 2018, 2019.

Theo thông tin của ông Tuấn cung cấp thì cơ quan ông đang công tác là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại theo quy định Luật Phí và lệ phí, do đó, việc chuyển nguồn từ nguồn thu phí được để lại thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 12 Luật Phí và lệ phí và Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP nêu trên.

Việc xuất toán kinh phí nêu trên có đúng quy định hay không còn phụ thuộc vào việc hàng năm, cơ quan ông đang công tác đã thực hiện quyết toán thu, chi nguồn thu phí theo đúng quy định chưa. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau đơn vị được tiếp tục chi theo chế độ quy định.

Vì vậy, đề nghị ông căn cứ các quy định nêu trên và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top