Hỏi: Chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự thế nào?
Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023, gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu.
Tại Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/4/2024 của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu; trường hợp hồ sơ mời thầu có các nội dung làm hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 của Nghị định này thì các nội dung này không phải căn cứ để xem xét đánh giá hồ sơ dự thầu.
Theo hướng dẫn tại Mục 4 Bảng số 01 Chương III Mẫu E-HSMT gói thầu xây lắp qua mạng ban hành kèm theo Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để chứng minh kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự, nhà thầu cung cấp công trình đã hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính (độc lập hoặc thành viên liên danh), nhà thầu quản lý hoặc nhà thầu phụ đáp ứng yêu cầu của E-HSMT. Không xem xét, đánh giá đối với các hợp đồng mà nhà thầu đã thực hiện với tư cách nhà thầu phụ do được chuyển nhượng thầu bất hợp pháp, vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 16 của Luật Đấu thầu.
Theo đó, trường hợp gói thầu thuộc đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu năm 2023 thì việc đánh giá hợp đồng tương tự gói thầu xây lắp tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu nêu trên.