Gửi câu hỏi
Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Hỏi: Kiểm soát chất lượng, trị giá thiết bị nhập khẩu thế nào?

Đỗ Ngọc Cúc - 09:07 12/10/2022

Chi tiết câu hỏi

Về yêu cầu đánh giá sự phù hợp giữa vật tư, thiết bị nhập khẩu (ray, bộ ghi, thép, cần chắn bán tự động) sản xuất theo tiêu chuẩn nước ngoài, tôi xin hỏi, trường hợp vật liệu nêu trên không thuộc nhóm II thì có cần phải đánh giá sự phù hợp giữa tiêu chuẩn nước ngoài với tiêu chuẩn áp dụng trong công tác bảo trì hay không? Hoặc doanh nghiệp nhập khẩu phải công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa nêu trên trước khi đưa vào sử dụng công trình không? Việc đánh giá sự phù hợp hoặc công bố tiêu chuẩn áp dụng,… nêu trên (nếu có) được quy định tại văn bản nào? Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu trên không thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng 1, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu vẫn đưa sản phẩm, hàng hóa vào công trình thì được xem là sản phẩm, hàng hóa không đáp ứng được điều kiện bảo đảm chất lượng, việc xử lý hành vi này như thế nào? Việc đánh giá tính tương thích, đồng bộ và sự tuân thủ với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định tại Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP có được hiểu là đánh giá tương thích, đồng bộ cả đối với tiêu chuẩn cơ sở áp dụng hay không? Tính tương thích có thể hiểu là đáp ứng 100% tiêu chí quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở. Trường hợp vật tư, thiết bị nhập khẩu nêu trên chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn và pháp luật liên quan đối với lô hàng nhập khẩu trước khi đưa vào sử dụng trong bảo trì thì việc xử lý vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm nào? - Về yêu cầu kiểm soát chất lượng vật tư, thiết bị nhập khẩu trước và sau khi thông quan: Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu sau và trước khi thông quan không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không đáp ứng điều kiện chất lượng sản phẩm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hoặc chưa công bố hợp quy (nếu có) đối với các vật tư thiết bị thuộc đối tượng cần công bố; hoặc không tổ chức đánh giá theo các phương thức thử nghiệm theo yêu cầu chuyên ngành mà đã đưa vào sử dụng trong công trình thì Tổng cục Hải quan xử lý như thế nào đối với các lô vật tư, thiết bị nhập khẩu (ray, bộ ghi đường sắt; gỗ táu mật nhóm II, cần chắn tự động và thiết bị liên quan đến cần chắn) nhằm bảo đảm kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm Tổng cục theo quy định? Quy định quốc tế và tại Việt Nam về việc nhận diện xác nhận chứng nhận xuất xứ (C/O), chứng nhận chất lượng (C/Q) của cơ quan thẩm quyền tại nơi sản xuất (bao gồm sản xuất sản phẩm, hàng hóa tại nước ngoài), cũng như các tài liệu yêu cầu phải kèm theo các giấy chứng nhận nêu trên. Vậy, trường hợp, vì lý do tránh sự phát hiện nguồn gốc hàng hóa, doanh nghiệp báo với cơ quan kiểm tra mất giấy chứng nhận thì việc truy xuất dữ liệu C/O, C/Q thực hiện như thế nào? Việc xử lý vi phạm hành chính về làm giả giấy chứng nhận C/O, C/Q quy định cụ thể tại văn bản nào? Việc phía Mỹ phát hiện loại thép sản xuất ray có mã HS… thuộc danh mục áp chống phá giá đối với lô hàng nhập khẩu vào Mỹ, trường hợp lô ray này nhập khẩu vào Việt Nam thì việc kiểm soát giá ray tại tờ khai hải quan,… thực hiện theo quy định nào nhằm bảo đảm khách quan, công bằng và không "phá giá"? Trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 khó khăn từ năm 2019 đến nay, Tổng cục Hải quan đã có quy định cụ thể nào về thời gian lưu kho nhằm vừa kiểm soát sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vừa bảo đảm chất lượng kiểm tra thông quan hay không? Quy định về thời gian thông quan đối với các lô hàng nêu trên nếu đủ điều kiện thông quan được hướng dẫn tại văn bản nào?

Trả lời

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với thiết bị nhập khẩu

Tại câu hỏi của bà Cúc chưa nêu rõ mô tả hàng hoá, mã số HS của hàng hoá nên chưa có cơ sở để hướng dẫn chi tiết, đề nghị bà nghiên cứu các quy định sau và đối chiếu với thực tế hàng hoá để thực hiện:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội:

"Sản phẩm, hàng hoá nhóm 1 được quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng".

 "Sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng".

Theo quy định tại Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội: "Người sản xuất nhập khẩu tự động công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hoá".

Do vậy, trường hợp vật tư, thiết bị nhập khẩu (ray, bộ ghi, thép, cần chắn bán tự động) sản xuất theo tiêu chuẩn nước ngoài không thuộc nhóm 2 thì không cần phải đánh giá sự phù hợp giữa các tiêu chuẩn, việc quản lý chất lượng trên cơ sở tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.

Người sản xuất nhập khẩu có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với sản phẩm, hàng hoá trước khi đưa vào sử dụng.

Liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp hoặc công bố tiêu chuẩn áp dụng, đề nghị công ty bà thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá số 05/2007/QH12, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Về việc xử lý vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đề nghị nghiên cứu quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đề nghị công ty bà tham khảo các quy định nêu trên để thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị liên hệ Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.

Công ty bà Cúc có thể tìm nội dung văn bản đã nêu ở mục văn bản pháp luật trên Cổng thông tin điện tử Hải quan.

Cơ quan chuyên ngành kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu trước và sau thông quan

Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá:

"1. Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu (sau đây gọi tắt là kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu) do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiến hành đối với hàng hóa thuộc nhóm 2 hoặc hàng hóa khác khi có dấu hiệu, nguy cơ gây mất an toàn".

Do vậy, việc kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu trước và sau thông quan thuộc trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chuyên ngành.

Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP:

"Trường hợp chất lượng hàng hóa đáp ứng các yêu cầu quy định, cơ quan kiểm tra ra thông báo để cơ quan hải quan và người nhập khẩu làm thủ tục thông quan. Nếu chất lượng hàng hóa không đáp ứng yêu cầu quy định, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan kiểm tra kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng một hoặc các biện pháp xử lý sau đây:

a) Yêu cầu người nhập khẩu tái xuất hàng hóa đó;

b) Yêu cầu người nhập khẩu tái chế hoặc tiêu hủy  theo quy định. Sản phẩm sau khi tái chế phải tuân thủ các quy định về quản lý hàng hóa nhập khẩu;

c) Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xem xét việc tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định tạm dừng hoặc dừng nhập khẩu loại hàng hóa không phù hợp này".

Do đó, đối với hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng trước thông quan, trường hợp cơ quan kiểm tra chuyên ngành thông báo lô hàng không đạt chất lượng thì cơ quan hải quan sẽ xử lý vi phạm và áp dụng các biện pháp buộc tái xuất hàng hoá, tái chế hoặc tiêu huỷ theo quy định.

Đối với trường hợp hàng hoá nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra chất lượng sau thông quan thì các cơ quan quản lý chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, xử lý (nếu phát hiện vi phạm) theo quy định của các Bộ quản lý chuyên ngành.

Phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi thông quan

Căn cứ quy định tại Khoản 5, Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 5/6/2018 quy định về hồ sơ hải quan, người khai hải quan không phải nộp chứng từ chứng nhận chất lượng (C/Q) cho cơ quan hải quan.

Liên quan đến chứng từ chứng nhận xuất xứ, người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ cho cơ quan hải quan theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo quy định thì thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018:

 "4. Trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều này thì thực hiện như sau:

a) Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này, hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN) hoặc thông thường và được thông quan theo quy định.

Khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn quy định tại Khoản 1, Điều 7 Thông tư này, người khai hải quan khai bổ sung theo thuế suất ưu đãi đặc biệt; trường hợp số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp được xử lý theo quy định về xử lý số tiền thuế nộp thừa;

b) Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì hàng hóa không được thông quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hàng hóa quy định tại Điểm b, Điểm c, Khoản 1 Điều này, người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kết luận hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu theo pháp luật chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan theo quy định;

c) Trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điểm d, Khoản 1 Điều này thì hàng hóa phải áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan đối với toàn bộ lô hàng và được thông quan theo quy định".

Làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể bị phạt đến 80 triệu đồng 

Về việc truy xuất dữ liệu chứng nhận xuất xứ (C/O), chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử có thể tra cứu trên hệ thống điện tử của nước hoặc cơ quan cấp C/O.

Căn cứ quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 11 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan:

"7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo; sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp để khai, nộp, xuất trình cho cơ quan hải quan mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;".

Căn cứ quy định tại Điều 14 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP:

"1. Các hành vi trốn thuế gồm:

a) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu;".

Do vậy, liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính về làm giả giấy chứng nhận xuất xứ, cơ quan hải quan xử phạt doanh nghiệp về hành vi sử dụng chứng từ, tài liệu giả mạo căn cứ theo quy định tại Điều 11 nêu trên, trường hợp có phát hiện hành vi trốn thuế liên quan đến việc giả mạo chứng từ, cơ quan hải quan sẽ tiến hành xử phạt về hành vi trốn thuế căn cứ theo quy định tại Điều 14 nêu trên. 

Căn cứ xác định trị giá hải quan hàng nhập khẩu

Về việc quy định liên quan đến hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá, theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu:

"1. Cơ sở dữ liệu trị giá là thông tin liên quan đến xác định trị giá hải quan của các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do cơ quan hải quan thu thập, tổng hợp, phân loại. Cơ sở dữ liệu trị giá hải quan được Tổng cục Hải quan xây dựng tập trung thống nhất và thường xuyên cập nhật. Bao gồm:

a) Hệ thống quản lý dữ liệu giá hải quan;

b) Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và mức giá tham chiếu kèm theo.

… 3. Cơ sở dữ liệu trị giá được sử dụng để:

a) Xây dựng Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá;

b) Kiểm tra trị giá hải quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

c) Phục vụ công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các lĩnh vực khác".

Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 3 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

"3. Cơ quan hải quan xác định trị giá hải quan trong các trường hợp sau:

a) Người khai hải quan không xác định được trị giá hải quan theo các phương pháp quy định tại Thông tư này;

b) Đủ cơ sở, căn cứ bác bỏ trị giá hải quan do người khai hải quan tự kê khai, tự xác định;

c) Có căn cứ xác định trị giá hải quan do người khai hải quan tự kê khai, tự xác định không phù hợp".

Do vậy, cơ quan hải quan căn cứ vào cơ sở dữ liệu trị giá để kiểm soát giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam. Trường hợp đủ cơ sở bác bỏ trị giá hải quan do người khai hải quan tự kê khai, cơ quan hải quan bác bỏ trị giá đó và tiến hành xác định trị giá của hàng hoá nhập khẩu. Trong trường hợp còn nghi vấn trị giá hải quan, cơ quan hải quan cùng doanh nghiệp tiến hành thực hiện tham vấn giá.

Trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 khó khăn từ năm 2019, Tổng cục Hải quan đã có các công văn hướng dẫn để bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch có hiệu quả vừa bảo đảm hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt, về thời gian lưu kho hàng hoá trong giai đoạn COVID-19, Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn liên quan như tại Công văn số 3695/TCHQ-GSQL ngày 22/7/2021.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top