Hỏi: Thế nào là hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa?
Chi tiết câu hỏi
Trả lời
Bộ Công Thương trả lời vấn đề này như sau:
Về hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp nước ngoài, theo Điều 3 Nghị định số 09/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quy định:
"Quyền nhập khẩu là quyền được nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam để bán cho thương nhân có quyền phân phối hàng hóa đó tại Việt Nam, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến nhập khẩu. Quyền nhập khẩu không bao gồm quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Quyền phân phối là quyền thực hiện trực tiếp các hoạt động phân phối".
Trường hợp công ty có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm giấy thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam sau đó phân phối cho các doanh nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu đi các nước khác, đề nghị công ty nghiên cứu thực hiện quy định liên quan về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối tại Nghị định số 09/2018/NĐ-CP nêu trên.
Nếu có vướng mắc, đề nghị công ty liên hệ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) để được hướng dẫn.
Về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tại Điều 29 Luật Thương mại quy định: "Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam".
Căn cứ Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương:
"... 2. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.
3. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra khỏi Việt Nam. Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định...".
Trường hợp công ty đối chiếu, xác định có nhu cầu kinh doanh tạm nhập, tái xuất, đề nghị Công ty nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Thương mại, Điều 39, 40 Luật Quản lý ngoại thương và Điều 13 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP nêu trên.
Nếu có vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để được hướng dẫn.
Câu hỏi xem nhiều nhất
Chi phúc lợi tại đơn vị sự nghiệp theo quy định nào?
Trường hợp nào được xếp lương bậc 2 khi tuyển dụng?
Có được ký hợp đồng với người lao động đã nghỉ hưu?
Hiệu lực của thông báo thu hồi đất
Điều kiện dự xét thăng hạng Giáo viên tiểu học hạng II
Thời gian xét bổ nhiệm chức danh Giáo viên tiểu học hạng II
Tìm kiếm