Công ty Tư vấn Khảo sát và Lập quy hoạch xây dựng công trình -
11:06 26/11/2024
Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép quy định tại Điều 29 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP và Danh mục hành nghề đo đạc và bản đồ quy định tại Điều 42 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP không thống nhất, cách diễn đạt không rõ ràng, dẫn đến việc cấp giấy phép và chứng chỉ tùy thuộc theo ý muốn chủ quan của người giải quyết hồ sơ và ký giấy. Nội dung Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ trên giấy phép ghi không đúng với Danh mục nêu trên (thêm, cẳt bớt hoặc chia nhỏ các danh mục). Khoản 4 Điều 3 Luật Đo đạc và bản đồ số 27/2018/QH14 quy định: "4. Hoạt động đo đạc và bản đồ là việc đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác. Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành". Theo Điều 29 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 136/2021/NĐ-CP, việc đo đạc, thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000; đo đạc, thành lập bản đồ công trình… thuộc Danh mục hoạt động đo đạc và bản đồ phải có giấy phép. Trên thực tế, đối với hai nội dung đo đạc này trong lĩnh vực khảo sát xây dựng, giao thông, thủy lợi… đã được các bộ ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ cấp phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực,… Tuy nhiên, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 136/2021/NĐ-CP lại đưa 2 nội dung nêu trên vào Danh mục cấp giấy phép hoạt động do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) quản lý với tên là thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 và đo đạc, thành lập bản đồ công trình. Sự chồng chéo dẫn đến các đơn vị tư vấn, thi công khảo sát địa hình, và đo vẽ bản đồ công trình phục vụ lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng công trình trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy lợi,... bị bắt buộc phải có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ và chứng chỉ hành nghề do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp, trong khi đó bản thân các đơn vị đã có các chứng chỉ về năng lực khảo sát xây dựng, đo vẽ bản đồ công trình theo quy định của Luật Xây dựng và các Luật khác. Hơn nữa phía Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, kỹ thuật nào liên quan đến nội dung: thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 và đo đạc, thành lập bản đồ công trình, trong khi đó các bộ ngành khác liên quan theo chức năng nhiệm đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung đo đạc khảo sát địa hình và đo vẽ bản đồ công trình. Từ đó dẫn đến các cơ quan quản lý tại địa phương và các bộ ngành liên quan, chủ đầu tư, doanh nghiệp tư vấn, thi công khảo sát xây dựng và các cá nhân hành nghề bị khó khăn vướng mắc trong quá trình xin cấp phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ. Do vậy, chúng tôi kiến nghị các bộ ngành xem xét, rà soát sửa đổi các nội dung chồng chéo, không thống nhất về chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước, sửa lại cách diễn đạt cho rõ ràng, dễ hiểu, có tiêu chí rõ ràng… trong các văn bản pháp luật liên quan để tránh dẫn đến cách hiểu không thống nhất tùy thuộc theo ý muốn chủ quan của người tiếp nhận hồ sơ giải quyết nhiệm vụ. Đồng thời, hướng dẫn tháo gỡ ngay các nội dung nêu trên, bổ sung sửa đổi quy định nêu trên theo hướng đơn vị tư vấn, thi công đo đạc khảo sát địa hình và đo vẽ bản đồ công trình đã có chứng chỉ năng lực khảo sát xây dựng, chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực,… thì không cần giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ mục: thành lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:500, 1:1.000, 1:2.000, 1:5.000 và đo đạc, thành lập bản đồ công trình.
Xem chi tiết