Gửi câu hỏi
Giáo dục- Đào tạo - Y tế

Hỏi: Tổ chức giảng dạy hoạt động trải nghiệm tại nhà trường thế nào?

Trần Thị Diễm Thùy - 08:05 16/03/2024

Chi tiết câu hỏi

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 thực hiện giảng dạy hoạt động trải nghiệm là 105 tiết/năm, tức là 3 tiết/tuần. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên mỗi địa phương đang thực hiện khác nhau. Có nơi dạy 1 tiết trên lớp, còn 2 tiết lồng ghép vào chào cờ và sinh hoạt lớp. Có địa phương lại yêu cầu dạy riêng 3 tiết hoạt động trải nghiệm, tức là kể cả chào cờ và sinh hoạt lớp nữa là 5 tiết, và nếu theo như kiểu dạy tách riêng 3 tiết này, giáo viên chủ nhiệm được tính là 7 tiết. Nếu như vậy thì số tiết của giáo viên hầu như sẽ bị vượt quá theo định mức cũ là 19 tiết/tuần. Tôi xin hỏi, cách thực hiện nào là đúng?

Trả lời

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là một hoạt động giáo dục bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tổng số 105 tiết và có vị trí tương đương như một môn học. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được tổ chức dưới nhiều loại hình (sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, giáo dục theo chủ đề, câu lạc bộ…), quy mô (trường, lớp) và không gian tổ chức khác nhau (trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường).

Xác định đây là môn học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các nhà trường tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tập huấn từ nhiều năm qua và điều này tiếp tục được áp dụng khi dạy học theo chương trình mới.

Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo về việc tổ chức hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại Công văn 3899/BGDĐT-GDTrH ngày 3/8/2023 và Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Đồng thời, tổ chức Hội thảo tập huấn toàn thể cán bộ quản lý và giáo viên cấp trung học về triển khai 2 công văn nêu trên trong đó tập trung vào việc phân công giáo viên, xây dựng thời khóa biểu, tổ chức triển khai, xác định rõ để tính giờ cho giáo viên.

Cụ thể: Ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên; giáo viên đảm nhận nội dung nào được thể hiện trên kế hoạch giáo dục và được tính giờ thực hiện đối với nội dung đó theo phân phối chương trình (không trùng với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành; giáo viên chỉ được tính tiết dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp khi thực hiện đúng theo nội dung yêu cầu của chương trình; giáo viên được phân công không nhất thiết phải là giáo viên chủ nhiệm mà cần đảm bảo sự phù hợp giữa năng lực chuyên môn với nội dung trải nghiệm.

Như vậy, việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được nhà trường xây dựng theo từng chủ đề, linh hoạt về thời khóa biểu, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhà trường đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu cần đạt tương ứng với số tiết của chương trình.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top