Gửi câu hỏi
Tài chính – Ngân hàng – Công Thương

Hỏi: Từng bước hoàn thiện khung pháp lý cho thương mại điện tử xuyên biên giới

Nguyễn Khắc Tùng - 17:17 22/07/2025

Chi tiết câu hỏi

Công ty tôi là một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới do người Việt sáng lập và vận hành ngay tại Việt Nam. Tuy nhiên,hầu hết doanh nghiệp như trên phải đặt pháp nhân ở nước ngoài, bởi nếu đặt trụ sở tại Việt Nam, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc luân chuyển dòng ngoại tệ (nhận vào - chi ra), đồng thời cũng phải đóng thuế cao hơn so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực trên toàn cầu. Tôi đề nghị cơ quan chức năng có chính sách nới lỏng quản lý ngoại tệ, đơn giản thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài, đặc biệt với các chi phí hợp lý (quảng cáo, phần mềm, nhân sự toàn cầu...), áp dụng thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu số.

Trả lời

Bộ Công Thương trả lời vấn đề này như sau:

Thương mại điện tử xuyên biên giới là vấn đề Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang khai thác rất hiệu quả thị trường toàn cầu thông qua các nền tảng số.

Trong công tác quản lý thương mại điện tử, Bộ Công Thương xác định mục tiêu kép: (1) tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Việt mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế, đồng thời (2) bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa, dịch vụ trong nước và hàng hóa, dịch vụ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất một số chính sách và giải pháp nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu số của doanh nghiệp Việt. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Dự án Luật Thương mại điện tử, từng bước hoàn thiện hạ tầng pháp luật về thương mại điện tử xuyên biên giới theo hướng bao quát hơn các mô hình kinh doanh mới, hướng tới cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các nền tảng thương mại điện tử nội địa và ngoài lãnh thổ, bao gồm các nền tảng thương mại điện tử thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đồng thời phối hợp với các bên liên quan để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, yêu cầu các nền tảng bảo đảm cơ chế giám sát, xác thực định danh người bán và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan đến việc ưu đãi thuế và quản lý ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu số, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; nhằm đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung quán triệt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế như:

- Bãi bỏ lệ phí môn bài;

- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập;

- Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

- Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top