Gửi câu hỏi
Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Hỏi: Cách xác định mức hỗ trợ chi thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp

Phạm Khánh Linh - 08:21 26/10/2023

Chi tiết câu hỏi

Tôi đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh. Giai đoạn trước năm 2023, theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, đơn vị tôi được phân loại là đơn vị ngân sách bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3). Tại thời điểm xây dựng dự toán năm 2023 đơn vị tôi chưa được giao tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 do chưa xây dựng phương án tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính. Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 và hướng dẫn của Sở Tài chính tỉnh về việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2023-2025 về dự toán chi hoạt động năm 2023 nguồn NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập thì, đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3 xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022. UBND tỉnh đã tạm giao tại nguồn kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ (dòng riêng), số tiền cụ thể dự toán kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên năm 2023 cho đơn vị là 7.805 triệu đồng (tổng dự toán chi thường xuyên NSNN tỉnh giao cho đơn vị là 22.000 triệu đồng bao gồm kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp công lập, chi nghiệp vụ, chi mua sắm, sửa chữa tài sản công). Tại thời điểm cuối tháng 11/2022, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tôi dẫn đến biến động nguồn thu của đơn vị. Do đó, năm 2023 khi đơn vị xây dựng phương án tự chủ điều chỉnh phân loại từ đơn vị nhóm 3 sang đơn vị nhóm 4, tỷ lệ tự bảo đảm là 0,49% (do điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ nguồn thu của đơn vị gần như không có). Do vậy, nếu tính theo phương án tài chính mới của đơn vị thì phần NSNN cấp chi thường xuyên sẽ là 8.095 triệu đồng (cao hơn dự toán NSNN hỗ trợ chi thường xuyên năm 2023 UBND tỉnh đã giao cho đơn vị). Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định: "Căn cứ dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, cơ quan quản lý cấp trên xác định mức NSNN hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định đối với đơn vị trực thuộc nhóm 3 và nhóm 4 theo nguyên tắc bằng phần kinh phí còn thiếu giữa B và A (= B - A) quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này nhưng tối đa không vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên đã được cấp có thẩm quyền giao trong năm của cơ quan quản lý cấp trên". Tôi xin hỏi, đối với đơn vị như tôi nêu trên, phần NSNN cấp/hỗ trợ chi thường xuyên cho đơn vị năm 2023, năm đầu thời kỳ ổn định sẽ là số kinh phí UBND tỉnh đã giao tại quyết định giao dự toán đầu năm là 7.805 triệu đồng hay theo phương án tài chính mới năm 2023 là 8.095 triệu đồng?

Trả lời

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Theo Khoản 3 Điều 4 Thông tư 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

"3. Nguyên tắc xác định mức NSNN hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định:

Căn cứ dự toán thu, chi năm đầu thời kỳ ổn định, cơ quan quản lý cấp trên xác định mức NSNN hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định đối với đơn vị trực thuộc nhóm 3 và nhóm 4 theo nguyên tắc bằng phần kinh phí còn thiếu giữa B và A (= B - A) quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này nhưng tối đa không vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên đã được cấp có thẩm quyền giao trong năm của cơ quan quản lý cấp trên".

Tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 quy định:

"b) Đối với các đơn vị trực thuộc địa phương quản lý:

- Cơ quan quản lý cấp trên xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên năm đầu thời kỳ ổn định của các đơn vị trực thuộc; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn NSNN và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; dự kiến phân loại các đơn vị trực thuộc theo mức tự chủ tài chính, tổng hợp phương án phân loại và dự toán thu, chi của các đơn vị, gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Cơ quan tài chính cùng cấp căn cứ kết quả thẩm tra và đề nghị của cơ quan quản lý cấp trên, xem xét, có ý kiến bằng văn bản về việc phân loại đơn vị theo mức tự chủ tài chính; kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn NSNN và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ;

- Sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý cấp trên trình UBND các cấp (hoặc cơ quan được phân cấp) quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị trực thuộc (đối với các đơn vị thuộc tổ chức chính trị thì cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan được ủy quyền quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị theo thẩm quyền), trong đó: xác định phân loại đơn vị; mức kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ cho các đơn vị (nhóm 3 và nhóm 4) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; kinh phí đặt hàng; nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) theo mẫu tại Phụ lục số4 ban hành kèm theo Thông tư này;

- Đối với đơn vị sự nghiệp công trực thuộc UBND cấp tỉnh/UBND cấp huyện, cơ quan tài chính cùng cấp căn cứ phương án tự chủ tài chính của đơn vị báo cáo, xem xét, thẩm tra dự toán thu, chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định của đơn vị; trong đó xác định kinh phí chi thường xuyên giao tự chủ từ nguồn NSNN và từ nguồn thu phí được để lại chi (nếu có) năm đầu thời kỳ ổn định giao tự chủ; dự kiến phân loại đơn vị theo mức độ tự chủ tài chính của đơn vị theo quy định; trình UBND cấp tỉnh/UBND cấp huyện quyết định giao quyền tự chủ cho các đơn vị (áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công thuộc UBND cấp tỉnh/UBND cấp huyện)".

Căn cứ quy định nêu trên, việc xác định NSNN hỗ trợ chi thường xuyên giao tự chủ năm đầu thời kỳ ổn định do cơ quan quản lý cấp trên (ở đây là UBND cấp tỉnh) xác định theo nguyên tắc bằng phần kinh phí còn thiếu giữa B và A (= B - A) nhưng tối đa không vượt quá tổng dự toán chi thường xuyên đã được cấp có thẩm quyền giao trong năm của cơ quan quản lý cấp trên (ở đây là UBND cấp tỉnh).

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top