Gửi câu hỏi
Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường

Hỏi: Ghi nhận các đề xuất sửa quy định về quản lý, bảo vệ rừng

Ngô Ngọc Tân - 11:05 25/07/2025

Chi tiết câu hỏi

Trong giai đoạn 1990-2010, thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Nhà nước, nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp dài hạn (20-50 năm) với Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ. Trên cơ sở đó, người dân đã chủ động đầu tư trồng rừng kinh tế, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời được thụ hưởng thành quả từ hoạt động sản xuất lâm nghiệp theo chu kỳ khai thác đã được thiết lập. Tuy nhiên, từ khi Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành, một số nội dung quy định mới đã phát sinh vướng mắc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và tổ chức nhận khoán đất lâm nghiệp. Theo đó, đối với rừng đặc dụng, pháp luật hiện hành không cho phép khai thác chính, kể cả đối với diện tích rừng trồng do người dân tự bỏ vốn đầu tư trên cơ sở hợp đồng giao khoán hợp pháp trước đây. Điều này làm gián đoạn chu kỳ sản xuất, cản trở khả năng thu hồi vốn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Đối với rừng phòng hộ, quy định giới hạn khai thác không quá 20% tổng diện tích mỗi năm, không phân biệt nguồn vốn đầu tư hay mức độ xung yếu của khu vực, khiến quá trình khai thác tháo kéo dài, phát sinh chi phí bảo vệ, làm giảm hiệu quả kinh tế, từ đó suy giảm động lực bảo vệ và phát rừng. Thực tế nêu trên cho thấy sự thiếu thống nhất giữa chính sách trước và sau khi Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực, đồng thời chưa thực sự tạo được hành lang pháp lý phù hợp để khuyến khích người dân, tổ chức tiếp tục gắn bó với rừng. Để tháo gỡ các bất cập nêu trên, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân, hài hòa với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tôi đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Lâm nghiệp 2017 như sau: Bổ sung khoản 4a sau điểm 4 Điều 52 khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng: "4a. Trường hợp Nhà nước giao khoán đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để trồng rừng kinh tế trước thời điểm Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực hoặc tổ chức, cá nhân có diện tích rừng trồng kinh tế thuộc quyền sở hữu hợp pháp được UBND cấp xã hoặc cơ quan kiểm lâm sở tại xác nhận thì chủ quản lý rừng hoặc chủ lâm sản được khai thác với điều kiện không làm ảnh hưởng đến chức năng bảo tồn của khu rừng đó". Bổ sung khoản b1 điểm 3 Điều 54 khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ: "d) Rừng trồng do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư, có nguồn gốc hợp pháp không thuộc khu vực đặc biệt xung yếu thì chủ rừng hoặc chủ lâm sản tự quyết định tỷ lệ, phương thức khai thác". Đồng thời, tôi kiến nghị bổ sung tiêu chí phân cấp mức độ xung yếu rừng phòng hộ vào Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Hiện nay, Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ đã hết hiệu lực, nhưng chưa được thay thế trong hệ thống pháp luật hiện hành. Việc thiếu tiêu chí kỹ thuật cụ thể đã dẫn đến khó khăn trong phân định rừng phòng hộ xung yếu, đặc biệt xung yếu, đây là căn cứ quan trọng để xác định chế độ quản lý và khai thác rừng phòng hộ phù hợp. Đề nghị có thẩm quyền xem xét các đề xuất nêu trên nhằm bảo đảm tính kế thừa của chính sách, tạo sự ổn định cho người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.

Trả lời

Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Về kiến nghị liên quan đến khai thác rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ghi nhận phản ánh, đề xuất liên quan đến việc điều chỉnh quy định khai thác rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trong Luật Lâm nghiệp 2017, xuất phát từ thực tiễn quản lý rừng tại nhiều địa phương, đặc biệt đối với các diện tích rừng trồng do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trước thời điểm luật có hiệu lực.

Tuy nhiên, các nội dung nêu trên liên quan trực tiếp đến quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, việc sửa đổi cần được cân nhắc kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở tổng kết đầy đủ, toàn diện quá trình thi hành Luật trong thời gian qua.

Đối với kiến nghị bổ sung tiêu chí phân cấp mức độ xung yếu rừng phòng hộ vào Nghị định số 156/2018/NĐ-CP:

- Về quy định pháp luật: Các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và đầu tư trong pháp luật Lâm nghiệp đối với rừng phòng hộ áp dụng chung cho các loại rừng có tính năng phòng hộ, không phân biệt theo mức độ xung yếu, vì vậy không có chính sách quản lý, sử dụng và đầu tư khác biệt giữa các loại rừng phòng hộ.

- Về khoa học: Tiêu chí xác lập và phân cấp xung yếu rừng phòng hộ được quy định tại Điều 5 Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg về Quy chế quản lý rừng phòng hộ do Thủ tướng Chính phủ ban hành dựa trên tiêu chí quy định tại Quyết định số 61/2005/QĐ-BNN ngày 12/10/2005 (đã hết hiệu lực) chỉ phân cấp mức độ xung yếu của rừng phòng hộ đầu nguồn, không phân cấp cho tất cả các rừng phòng hộ như khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp đang quy định chung.

Mặt khác, việc phân cấp trên cơ sở của 4 tiêu chí gồm: lượng mưa, độ cao tương đối, độ dốc và loại đất. Tuy nhiên, các tiêu chí này chưa phản ánh hết khả năng phòng hộ đầu nguồn của rừng, chủ yếu dựa vào chỉ tiêu lượng mưa và độ cao nhưng chỉ tiêu lượng mưa thường lấy là lượng mưa trung bình của một trạm quan trắc gần nhất nên ít ý nghĩa.

- Về thực tiễn: Với 4 chỉ tiêu nêu trên, khó xác định một lô rừng cụ thể ở mức độ xung yếu nào, trong khi một khu rừng thường không đồng nhất các tiêu chí dẫn đến khi phân cấp sẽ bị phân mảnh, khó quản lý, áp dụng.

Hơn nữa, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trước đây cũng không có chính sách khác biệt cho rừng phòng hộ rất xung yếu và rừng phòng hộ xung yếu nên không có sự khác biệt về quản lý, sử dụng và đầu tư giữa các loại rừng này.

- Việc phân cấp mức độ xung yếu của một số loại rừng phòng hộ đã được thực hiện tại các tiêu chuẩn (TCVN) cho từng loại rừng, cụ thể:

Bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn (TCVN 5325-1991); Rừng trồng - Rừng phòng hộ ven biển - Phần 1: Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (TCVN 12510-1:2018); Rừng trồng - Rừng phòng hộ ven biển - Phần 2: Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (TCVN 12510-2:2018); Rừng phòng hộ đầu nguồn - Các yêu cầu (TCVN 13532:2022).

Với tinh thần cầu thị, xin trân trọng ghi nhận đề xuất nêu trên và sẽ tiếp tục nghiên cứu trong quá trình tổng kết thi hành Luật Lâm nghiệp 2017, từ đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật nếu thấy phù hợp, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế lâm nghiệp và mục tiêu bảo vệ rừng bền vững.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top