Gửi câu hỏi

Danh sách câu hỏi thuộc lĩnh vực:

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Trần Thị Thúy Ngọc
Trần Thị Thúy Ngọc - 09:01 13/12/2024

Doanh nghiệp có vốn nước ngoài thực hiện báo cáo đầu tư thế nào?

Công ty tôi có vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức chuyển nhượng vốn, không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Đầu tư 2020, đối tượng thực hiện chế độ báo cáo bao gồm: "a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; b) Cơ quan đăng ký đầu tư; c) Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật này". Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì "Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định". Theo đó, tôi hiểu rằng công ty tôi thuộc trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, không thực hiện dự án đầu tư nên không cần phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. Xin hỏi, tôi hiểu như trên có đúng hay không? Nếu sai đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Nguyễn Văn Lâm
Nguyễn Văn Lâm - 14:03 11/12/2024

Nguyên tắc thẩm tra quyết toán dự án đầu tư công

Trong quá trình quyết toán hợp đồng trọn gói, đơn vị tôi gặp trường hợp như sau: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày. Dự toán giá gói thầu được cấp thẩm quyền phê duyệt lập trên cơ sở lương chuyên gia, là căn cứ để chủ đầu tư thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt. Sau đó, chủ đầu tư đã thực hiện lựa chọn nhà thầu và ký kết với nhà thầu là thực hiện theo hợp đồng trọn gói. Nhà thầu đã thực hiện công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, sau đó được cấp thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, trên cơ sở đó chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán theo quy định hướng dẫn đối với hợp đồng trọn gói (thanh toán trọn gói theo giá trị hợp đồng đã ký). Khi thực hiện trình Sở Tài chính thẩm tra phê duyệt quyết toán, với lý do là thời gian thực hiện hợp đồng là 60 ngày, mà thời gian thực hiện của nhà thầu từ khi ký hợp đồng đến khi kết thúc công việc chỉ có 30 ngày, nên phía thẩm tra phê duyệt quyết toán đã tính toán lại số ngày thực hiện chỉ là 30 ngày và yêu cầu giảm trừ phần chênh lệch còn lại. Mặc dù, phía chủ đầu tư đã giải trình về các quy định thực hiện đối với hợp đồng trọn gói (quy định về việc phải thực hiện hợp đồng trọn gói tại Luật Đấu thầu; các quy định khác có liên quan đối với hợp đồng trọn gói…) và quy định về "thẩm tra quyết toán tại Điểm d Khoản 6 Điều 40 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công". Tuy nhiên, phía thẩm tra không chấp nhận phương án giải trình và coi đây là trường hợp thực hiện theo "hợp đồng theo thời gian", yêu cầu giảm trừ trên cơ sở tính toán lại theo số ngày chênh lệch so với thời gian thực hiện hợp đồng đã ký. Cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được thống nhất giải quyết. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm giải đáp cho phương hướng giải quyết vấn đề này để đơn vị có cơ sở tháo gỡ.
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Trần Mai
Trần Mai - 14:05 10/12/2024

Có phải hợp pháp hóa lãnh sự quyết định điều chỉnh dự án đầu tư?

Công ty tôi có 100% vốn nước ngoài, là nhà đầu tư đồng thời là chủ sở hữu doanh nghiệp tại Việt Nam, dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện nay, công ty tôi muốn thực hiện thủ tục điều chỉnh mục tiêu dự án đầu tư. Theo tôi tham khảo Khoản 2 Điều 47 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định về thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, theo đó, hồ sơ nộp có bao gồm quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức. Tôi được biết, Luật Đầu tư hiện hành không có quy định cần phải hợp pháp hóa lãnh sự đối với quyết định do tổ chức nước ngoài ban hành để thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, tại Luật Doanh nghiệp 2020 quy định đối với bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức nước ngoài thì mới cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án khu công nghiệp dựa vào Nghị định số 111/2011/NĐ-CP quy định về việc chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự để yêu cầu công ty tôi bổ sung quyết định về việc điều chỉnh dự án đầu tư đã được hợp pháp hóa lãnh sự. Quy định nêu trên gây khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư của công ty tôi. Xin hỏi, trường hợp của công ty tôi có cần phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với quyết định của nhà đầu tư là tổ chức nước ngoài về việc điều chỉnh dự án đầu tư hay không?
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Nguyễn Thị Thanh Thúy
Nguyễn Thị Thanh Thúy - 11:05 10/12/2024

Hoạt động kinh doanh nào phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư?

Công ty tôi thành lập năm 2012. Năm 2018 có nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mua cổ phần (công ty không có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Năm 2022, công ty tôi thực hiện bổ sung một số ngành, nghề kinh doanh, trong đó có mã ngành 8230 - Tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại (chi tiết: Tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo) và đã được Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy xác nhận bổ sung ngành, nghề. Hiện, công ty tôi đang kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện cho khách hàng theo mã ngành này. Xin hỏi, công ty tôi có phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không? Công ty đã tham khảo ý kiến từ Sở Kế hoạch và Đầu tư và nhận được thông tin rằng, công ty tự xác định việc kinh doanh dịch vụ đó có phải là dự án đầu tư theo định nghĩa tại Luật Đầu tư 2020 hay không. Nếu là dự án đầu tư thì cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu không phải thì không cần phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Xin hỏi, vậy tiêu chí gì để xác định kinh doanh ngành nghề này có phải là dự án đầu tư hay không (công ty tôi không thực hiện mở chi nhánh hay địa điểm kinh doanh để kinh doanh dịch vụ này và chỉ sử dụng nguồn vốn hiện hữu để kinh doanh)?
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Đoàn Trần Hiệp
Đoàn Trần Hiệp - 08:39 09/12/2024

Có được chi phụ cấp nhân viên y tế trường học từ nguồn ngân sách?

Tôi xin hỏi, các cơ sở giáo dục không có nguồn thu có được chi trả phụ cấp cho nhân viên y tế trường học từ nguồn ngân sách nhà nước cấp không? Khoản 6 Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC quy định mức phụ cấp "Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập (trừ đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét quyết định áp dụng mức phụ cấp quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP". Tại Điều 4 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định "Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn thu của các cơ sở y tế từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác". Mục a Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC quy định "Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Thông tư liên tịch này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn thu của cơ sở y tế từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định".
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Nguyễn Nhật Thu
Nguyễn Nhật Thu - 09:22 06/12/2024

Hợp tác với doanh nghiệp thuộc ngành nghề có điều kiện

Công ty tôi 100% vốn trong nước, có kế hoạch mua phiếu mua hàng do các đơn vị kinh doanh phát hành phù hợp với giấy phép kinh doanh và phạm vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp pháp. Sau đó, Công ty tôi sẽ bán cho doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng, cho tặng hoặc bán cho người tiêu dùng có nhu cầu mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị kinh doanh đó. Các đơn vị kinh doanh công ty tôi dự kiến tiếp cận bao gồm các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; doanh nghiệp kinh doanh dược,... Công ty tôi không trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ, các nội dung hàng hóa, dịch vụ được nêu trong phiếu mua hàng trả tiền trước sẽ do chính đơn vị kinh doanh hợp tác cung cấp cho người sử dụng phiếu mua hàng. Xin hỏi, công ty tôi có được phép mua, bán các phiếu mua hàng do các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không?
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Đoàn Quang Quảng
Đoàn Quang Quảng - 09:05 05/12/2024

Thế nào là dự án đầu tư công?

Tiểu dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi (duy tu và bảo dưỡng) thuộc Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc, sử dụng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tôi xin hỏi, dự án nêu trên có phải là dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công không?
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Nguyễn Thu Trang
Nguyễn Thu Trang - 08:30 04/12/2024

Sáp nhập đơn vị sự nghiệp, xử lý khoản quỹ dư thế nào?

Đơn vị sự nghiệp công lập của tôi mới thành lập và hoạt động từ tháng 6/2023 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị sự nghiệp công lập. Năm 2023, đơn vị được cơ quan chủ quản giao quyền tự chủ tài chính là đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4 - Phân loại theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP) trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025. Đơn vị tôi do sáp nhập từ 3 đơn vị sự nghiệp công lập nên đã nhận bàn giao số dư của Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp từ các đơn vị trên là 2 tỷ đồng (các đơn vị trước khi sáp nhập là các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên – đơn vị nhóm 3 đã thực hiện trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định). Tôi xin hỏi, hiện nay đơn vị tôi là đơn vị sự nghiệp công tự chủ nhóm 4 có được tiếp tục sử dụng số dư Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các đơn vị nhóm 3 chuyển sang theo quy định hay không? Nếu không được sử dụng thì đơn vị xử lý số dư Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp này như thế nào?
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Nguyễn Thị Hà
Nguyễn Thị Hà - 10:06 02/12/2024

Căn cứ xác định chi phí dự án không có cấu phần xây dựng

Đơn vị tôi hiện có dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư với những nội dung sau: - Nhóm dự án: Nhóm B. - Mục tiêu đầu tư: Đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị dạy nghề bảo đảm đồng bộ, công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học, phù hợp với quy mô đào tạo, định hướng phát triển theo đề án trường chất lượng cao đã được phê duyệt. - Loại công trình: Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề (dự án không có cấu phần xây dựng). - Tổng mức đầu tư tạm tính được dùng để thực hiện: Chi đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề; chi phí tư vấn và dự phòng. - Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trên cơ sở đó, đơn vị tiếp tục tiến hành quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, đơn vị tôi gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau: Dự án thuộc loại công trình: Đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề (dự án không có cấu phần xây dựng). Tại Điều 27 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ quy định nội dung, xác định tổng mức đầu tư của dự án. Theo Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 của Chính phủ có nêu: "Người có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng theo quy định của Luật Đầu tư công quyết định hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu quản lý, điều kiện cụ thể của dự án, quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan như: Ban quản lý dự án, thuê tư vấn quản lý dự án, chủ đầu tư trực tiếp quản lý". Tuy nhiên, hiện dự án không có cấu phần xây dựng chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về căn cứ văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để xác định các chi phí trong dự toán tổng mức đầu tư của dự án (chi phí mua sắm trang thiết bị đào tạo, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác, chi phí dự phòng…). Đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về căn cứ văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở xác định các chi phí trên trong dự toán tổng mức đầu tư của dự án không có cấu phần xây dựng.
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Nguyễn Xuân Đạo
Nguyễn Xuân Đạo - 15:06 23/11/2024

Hợp đồng đào tạo có thuộc đối tượng chịu thuế GTGT?

Công ty tôi đăng ký mã ngành 8559 (Giáo dục khác chưa được phân vào đâu). Chi tiết: Dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngành năng lượng, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, điện nguyên tử, tiếng Anh chuyên ngành, kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ. Công ty tổ chức các khóa đào tạo (dạy học) chuyên môn ngắn hạn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ/nhân viên theo yêu cầu của các doanh nghiệp ngành năng lượng. Đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg thì hoạt động kinh doanh của công ty tôi sẽ không phải xin phép trước khi hoạt động. Tại Khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn về các hoạt động dạy học, dạy nghề là đối tượng không chịu thuế GTGT như sau: Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp... Theo tôi hiểu, các khóa đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ của công ty đều thuộc vào trường hợp bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp trong trích dẫn nêu trên. Tôi xin hỏi, khi công ty tôi có các hợp đồng đào tạo kỹ năng nghiệp vụ như trên thì việc xuất hóa đơn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT có phù hợp không?
Xem chi tiết

Tài chính - Ngân hàng - Đầu tư - Công Thương

Thái Cường
Thái Cường - 16:06 24/11/2024

Tổ chức chương trình ưu đãi, hạch toán doanh thu thế nào?

Công ty tôi cung cấp dịch vụ cho khách hàng và thu phí duy trì dịch vụ hằng năm. Đồng thời, công ty cũng thu phí theo từng giao dịch mà khách hàng thực hiện. Công ty tôi tổ chức chương trình ưu đãi cho khách hàng như sau: - Miễn phí duy trì dịch vụ năm đầu với khách hàng lần đầu đăng ký sử dụng và phát sinh số lượng giao dịch đạt mức tối thiểu nhất định; thời hạn 3 tháng (tháng 5-7); - Thể lệ của chương trình quy định Công ty vẫn thu phí duy trì dịch vụ khi khách hàng đăng ký sử dụng và sẽ hoàn lại 100% cho khách hàng đáp ứng điều kiện miễn phí (thực hiện khi tổng kết chương trình vào tháng 8). Theo đó, khi thu tiền phí duy trì dịch vụ thì hạch toán khoản phải trả khách hàng, chỉ khi tổng kết chương trình mới ghi nhận doanh thu đối với khách hàng không đáp ứng điều kiện miễn phí hoặc khi thu tiền phí duy trì dịch vụ thì hạch toán doanh thu bình thường, khi tổng kết chương trình thì xác định số tiền miễn phí là chiết khấu thương mại, hạch toán giảm doanh thu theo Điểm b Khoản 1 Điều 81 Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Tôi xin hỏi, trường hợp này hạch toán như thế nào?
Xem chi tiết
Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top