Gửi câu hỏi
Xây dựng - Nông nghiệp - Môi trường

Hỏi: Thương binh có được hỗ trợ nhà ở tại nơi không có hộ khẩu?

Nguyễn Thị Hương - 10:05 24/07/2025

Chi tiết câu hỏi

Bố tôi là thương bệnh binh, tỉ lệ thương tật 81%, đang ở tại trung tâm điều dưỡng thương binh nặng tại tỉnh Hà Nam (cũ). Mẹ con tôi có hộ khẩu tại Phú Thọ, bố tôi đã chuyển hộ khẩu về Hà Nam. Thời gian trước, mẹ tôi có làm đơn gửi UBND xã xin hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Cán bộ xã đến gia đình đề nghị photo giấy tờ nhà đất để làm thủ tục hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên nhà, đất gia đình tôi đang ở chưa có giấy tờ quyền sử dụng đất. Cán bộ xã trả lời, trường hợp chưa có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì không được hỗ trợ. Bố tôi còn có 1 mảnh đất được đền bù, đã có Giấy chứng nhận, gia đình muốn chuyển nguyện vọng xin hỗ trợ xây mới nhà ở trên mảnh đất này. Sau đó, gia đình nhận được giấy báo của UBND xã với nội dung, gia đình tôi không đủ các điều kiện để được hỗ trợ vì mẹ tôi có nhà nhưng không có Giấy chứng nhận, còn mảnh đất của bố tôi có Giấy chứng nhận nhưng không có nhà, bố tôi lại đã chuyển hộ khẩu về trung tâm điều dưỡng thương binh nặng. Xin hỏi, UBND xã trả lời gia đình như vậy có đúng không?

Trả lời

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Ngày 22/11/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, việc hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ được triển khai thực hiện theo các quy định về đối tượng, điều kiện hỗ trợ, phương thức thực hiện, việc cấp vốn, trình tự lập, phê duyệt Đề án tại Điều 99, Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Tại khoản 1 Điều 99 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được hỗ trợ: Đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ. Cụ thể là:

"a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

c) Liệt sĩ;

d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

g) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;

h) Bệnh binh;

i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

k) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

m) Người có công giúp đỡ cách mạng;"

Và thân nhân liệt sĩ.

Tại khoản 1 Điều 102 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện hỗ trợ nhà ở: Nhà ở mà hộ gia đình hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở) với các mức độ như sau:

"a) Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở.

b) Nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở".

Đối chiếu với các quy định nêu trên thì bố của bà Nguyễn Thị Hương (theo nội dung trình bày là thương bệnh binh, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Hà Nam (cũ) và không có nhà ở tại đây; đồng thời không có hộ khẩu thường trú tại nhà ở của vợ con tại tỉnh Phú Thọ) không thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg.

Gửi câu hỏi

Tìm kiếm nhanh

Từ khóa
Tìm trong
Tìm kiếm
Top