Hỏi: Chậm nộp hồ sơ điều chỉnh đóng BHXH có phải nộp tiền lãi?
Chi tiết câu hỏi
Tôi làm kế toán một đơn vị hành chính cấp xã ở tỉnh Bình Thuận gặp một trường hợp truy thu BHXH như sau:
Một công chức tham gia công tác có đóng BHXH từ năm 2000, hệ số lương cơ bản được hưởng là 2,25.
Ngày 30/12/2016, có Quyết định của UBND huyện cho hưởng phụ cấp thâm niên nghề, cụ thể như sau:
- Mức phụ cấp thâm niên 8% từ ngày 25/10/2009
- Mức phụ cấp thâm niên 9% từ ngày 30/10/2009
- Mức phụ cấp thâm niên 10% từ ngày 30/10/2010
- Mức phụ cấp thâm niên 11% từ ngày 30/10/2011
- Mức phụ cấp thâm niên 12% từ ngày 30/10/2012
- Mức phụ cấp thâm niên 13% từ ngày 30/10/2013
- Mức phụ cấp thâm niên 14% từ ngày 30/10/2014
- Mức phụ cấp thâm niên 15% từ ngày 30/10/2015
- Mức phụ cấp thâm niên 16% từ ngày 30/10/2016
Sau khi nhận được Quyết định đơn vị vẫn trích nộp BHXH cho công chức đúng theo quy định, nhưng quên không báo tăng mức phụ cấp cho BHXH điều chỉnh.
Ngày 14/11/2017, có Quyết định của UBND huyện nâng mức phụ cấp thâm niên nghề lên 17% từ ngày 30/10/2017. Đơn vị vẫn trích nộp BHXH của công chức đúng theo quy định nhưng quên không báo tăng mức phụ cấp cho BHXH điều chỉnh.
Ngày 1/11/2018, có Quyết định của UBND huyện nâng mức phụ cấp thâm niên nghề lên 18% từ ngày 30/10/2018. Đơn vị báo tăng mức phụ cấp trong tháng 12/2018.
Sau khi BHXH huyện nhận báo tăng thì mới phát hiện và truy thu tiền BHXH từ năm 2009, tổng số tiền BHXH là 9.237.059 đồng; BHYT là 1.575.265 đồng; BHTNLĐ-BNN là 307.093 đồng và tiền lãi truy thu BHXH là 4.229.306 đồng; BHYT là 503.801 đồng; BHTNLĐ-BNN là 174.913 đồng.
Nhận thấy số tiền lãi truy thu quá lớn chiếm tỉ lệ 45,78% nên đơn vị đã yêu cầu BHXH huyện giải trình cách tính truy thu tiền bảo hiểm và lãi chậm nộp nhưng BHXH huyện trả lời do phần mềm tính toán và không giải thích được.
Vậy, việc tính toán truy thu BHXH và truy thu lãi có đúng quy định không?
Trả lời
Căn cứ quy định tại Khoản 3, Điều 138 Luật BHXH năm 2006; Khoản 3, Điều 122 Luật BHXH năm 2014; Khoản 3, Điều 49 Văn bản hợp nhất Luật BHYT số 01/VNHN-VPQH ngày 10/7/2014, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi tính trên số tiền và thời gian chậm đóng.
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN thì số tiền truy đóng bao gồm số tiền phải đóng BHXH, BHTN và tiền lãi tính trên số tiền và thời gian truy đóng BHXH, BHTN.
Đối chiếu quy định nêu trên, trường hợp đơn vị đã thực hiện trích, đóng vào quỹ BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, nhưng chậm lập hồ sơ điều chỉnh số tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN thì không phải nộp tiền lãi chậm đóng.
Câu hỏi xem nhiều nhất
Yêu cầu về trình độ đối với Bí thư Đoàn xã
Điều kiện cấp điều chỉnh giấy phép hành nghề y
Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, chấm điểm thị lực thế nào?
Chỉ định thầu phải được phê duyệt dự toán gói thầu hay dự toán dự án?
Bị tai nạn lao động, được trợ cấp hay bồi thường?
Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Tìm kiếm