Công ty TNHH Khảo sát và đo đạc lập bản đồ quy hoạch -
16:00 06/02/2025
Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định về lưu trữ thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ như sau: "Danh mục thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành giao nộp để lưu trữ tại cơ quan, tổ chức lưu trữ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định". Hiện nay Bộ Tài nguyên Môi trường cũng không có văn bản, Thông tư hướng dẫn cụ thể, hay quy định pháp lý cụ thể, chi tiết để tổ chức thực hiện phê duyệt danh mục thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành giao nộp để lưu trữ tại cơ quan, tổ chức lưu trữ. Không có quy định cụ thể, chi tiết về danh mục sản phẩm, tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện nào của thông tin, dữ liệu, sản phẩm… quy trình giao nộp để lưu trữ, … mà chỉ viết chung là danh mục thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành để giao nộp để lưu trữ. Tuy nhiên các đoàn thanh tra định kỳ và đột xuất của Bộ Tài nguyên Môi trường và của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam khi tổ chức tiến hành thanh tra chuyên ngành về hoạt động đo đạc, bản đồ tại các cơ quan, doanh nghiệp của địa phương và các bộ ban ngành khác lại luôn đưa ra kết luận thanh tra đã chỉ ra những tồn tại trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ như, chưa ban hành danh mục thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành giao nộp để lưu trữ. Từ đó các đoàn thanh tra thiết lập hồ sơ để báo cáo để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ đối với các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp của địa phương và các bộ ban ngành khác. Từ bất cập trên, chúng tôi xin kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam xem xét thay thế, sửa đổi, bổ sung Luật Đo đạc và bản đồ, và các nghị định, thông tư liên quan đối với các nội dung bất cập nêu trên cụ thể như: - Ban hành chi tiết danh mục thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành giao nộp để lưu trữ, và hướng dẫn cụ thể về quy trình, cách thức thực hiện, nội dung chi tiết về số lượng, định dạng, chất lượng,… thông tin, dữ liệu, sản phẩm,… để ban danh mục thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành giao nộp để lưu trữ. Ban hành chi tiết: (1) Tiêu chuẩn và điều kiện của "tổ chức chuyên môn kỹ thuật" của chủ đầu tư để thực hiện kiểm tra chất lượng đúng quy định của pháp luật; (2) việc kiểm tra chất lượng sản phẩm khi chủ đầu tư không có tổ chức chuyên môn kỹ thuật, không thuê được đơn vị tư vấn kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kiểm tra, thẩm định, nghiệm thu chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp chủ đầu tư có nội dung: "… chủ đầu tư sử dụng tổ chức chuyên môn kỹ thuật của mình hoặc thuê tổ chức có năng lực kiểm tra để thực hiện công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp chủ đầu tư", tuy nhiên, không có văn bản hay hướng dẫn nào quy định lực lượng này có chuyên môn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ theo tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện như thế nào? Tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT quy định: "Điều 11. Kiểm tra chất lượng sản phẩm cấp đơn vị thi công 1. Đơn vị thi công sử dụng tổ chức chuyên môn kỹ thuật hoặc giao trách nhiệm cho người phụ trách kỹ thuật để tự kiểm tra chất lượng đối với tất cả các hạng mục công việc, sản phẩm do mình thi công". Chúng tôi xin hỏi, tiêu chuẩn, điều kiện của "tổ chức chuyên môn kỹ thuật" để thực hiện kiểm tra cấp đơn vị thi công là thế nào? Tiêu chuẩn, điều kiện của "người phụ trách kỹ thuật" ngoài người phụ trách kỹ thuật đã đăng ký trong hồ sơ cấp giấy phép, trong trường hợp đơn vị thi công thực hiện nhiều dự án, các dự án ở các địa phương khác nhau có cùng giai đoạn thi công có được không? Về công tác giám sát, đơn vị giám sát, tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT quy định: "3. Công tác giám sát trong quá trình triển khai các đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc và bản đồ phải được thực hiện kể từ khi bắt đầu triển khai cho đến khi nghiệm thu, bàn giao sản phẩm để đưa vào khai thác sử dụng đảm bảo chất lượng, hiệu quả". Tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 24/2018/TT-BTNMT quy định: "2. Trong quá trình giám sát, người trực tiếp giám sát phải tiến hành ghi Nhật ký giám sát thi công theo Mẫu số 1 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này. Kết thúc đợt giám sát, đơn vị thực hiện việc giám sát phải lập Biên bản giám sát thi công theo Mẫu số 2 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này". Các nội dung nêu trên cũng không có văn bản hay hướng dẫn nào quy định lực lượng có chuyên môn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ theo điều kiện, tiêu chuẩn của người giám sát, đơn vị giám sát của chủ đầu tư là như thế nào. Về thời gian, thời điểm báo cáo khi có sự thay đổi người phụ trách kỹ thuật hoặc khi có sự thay đổi địa chỉ trụ sở chính, tại Điều 9 Nghị định số 18/2020/NĐ-CP ngày 11/02/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, quy định: "Điều 9. Vi phạm quy định báo cáo về hoạt động đo đạc và bản đồ 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ khi có sự thay đổi người phụ trách kỹ thuật hoặc khi có sự thay đổi địa chỉ trụ sở chính". Tuy nhiên, quy định tại Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ; được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 136/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021; Thông tư số 46/2015/TT-BTNMT ngày 30/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về chế độ báo cáo trong hoạt động đo đạc và bản đồ, đều không quy định rõ thời gian, thời điểm đơn vị được cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ phải báo khi có sự thay đổi người phụ trách kỹ thuật hoặc khi có sự thay đổi địa chỉ trụ sở chính.
Xem chi tiết